“Cách ly toàn xã hội” là gì, có được đi làm không?
Từ 0h ngày 1/4 Việt Nam thực hiện cách ly toàn xã hội nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh COVID-19. Vậy cách ly toàn xã hội là gì, người dân có được đi làm không, nên làm gì trong thời gian này?
- Hà Nội lập trạm xét nghiệm nhanh COVID-19 10 phút cho kết quả
- Cách ngăn chặn con đường lây nhiễm của virus gây bệnh COVID-19
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế
Cách ly toàn xã hội từ 0h ngày 1/4
Theo thông tin mới nhất do Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp, ngày 31/3 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Cụ thể nội dung chỉ thị nêu rõ cách ly toàn xã hội thực hiện trong vòng 15 ngày từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc, yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men…; phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; hạn chế việc di chuyển giữa các địa bàn.
Cách ly toàn xã hội là gì?
Giải thích đơn giản về cách ly toàn xã hội là gì, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện tại cụm từ này có nơi dùng là cách ly xã hội, có nơi dùng ngăn cách xã hội hoặc giãn khoảng cách địa lý… Có thể hiểu đơn giản đây là làm sao hạn chế tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm trong cộng đồng, bởi vì virus gây bệnh COVID-19 lây nhiễm theo tiếp xúc gần, khi chạm vào bề mặt, dụng cụ có virus do người bệnh thải ra bám vào.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – ông Mai Tiến Dũng, người phát ngôn Chính phủ khẳng định yêu cầu cách ly xã hội không phải là phong tỏa đất nước. Ông cho biết, cách ly toàn xã hội không phải là biện pháp phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập,” cũng không phải là lệnh giới nghiêm như thời chiến. Mục tiêu của biện pháp cách ly toàn xã hội là nhằm giảm tối đa tương tác giữa người với người trong xã hội, mỗi cá nhân hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, tránh tiếp xúc quá gần với người khác.
Cách ly toàn xã hội người dân nên làm gì, có được đi làm không?
Theo chỉ thị của Chính phủ, khi thực hiện cách ly toàn xã hội, người dân được khuyến cáo ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Nếu như có việc phải ra ngoài, người dân cần nghiêm túc thực hiện việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp với nhau, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Bác sĩ Anh Tú, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, trong thời điểm này người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa để tích trữ, chỉ nên mua khi cần thiết, mua đủ dùng tránh trường hợp người khác không có mà mua. Ngoài ra việc tập trung đông người để mua hàng hóa cũng rất nguy hiểm dễ lây lan dịch bệnh.
Người dân chỉ nên ra ngoài khi thật sự cần thiết (Ảnh: Zing).
Người dân chỉ khi thật sự cần thiết mới ra đường và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh như đứng cách xa nhau 2 mét, đeo khẩu trang đầy đủ. Các chuyên gia khuyến cáo ở thời điểm này, người dân càng hạn chế tập trung ở siêu thị càng tốt vì không ai biết có thiếu vật chất hay không nhưng người dâ rất có thể đã bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ở những chỗ tập trung đông người.
Nguồn: Caodangduochoc.edu.vn tổng hợp.