Bác sĩ được bao nhiêu % hoa hồng?

Bác sĩ được bao nhiêu % hoa hồng?

Hiện, thị trường sản phẩm thông tim can thiệp rất đa dạng với nhiều mức giá khác nhau. Vì thế, giá stent (giá đỡ đặt cho bệnh nhân bị tắc hẹp mạch vành) cũng phong phú không kém.  

Can thiệp tim mạch mang lại lợi ích cho bệnh nhân nhưng bên cạnh những chỗ sáng nó vẫn còn những góc khuất. Trong ảnh: một ca can thiệp tim mạch (Ảnh minh họa)

Can thiệp tim mạch mang lại lợi ích cho bệnh nhân nhưng bên cạnh những chỗ sáng nó vẫn còn những góc khuất. Trong ảnh: một ca can thiệp tim mạch (Ảnh minh họa)

Thị trường cung cấp trang thiết bị thông tim can thiệp ngày càng phát triển

Khác với vài thập kỷ trước, phần lớn ca cấp cứu mạch vành ngày nay không phải nhờ đến phẫu thuật. Bác sĩ chỉ cần luồn một sợi dây vào mạch máu đùi bệnh nhân, đưa dụng cụ đến chỗ tắc hẹp của mạch vành nong ra hoặc đặt vào ngay đó một stent (giá đỡ) để chỗ tắc thông thương máu lại như cũ. Toàn bộ ca can thiệp kéo dài khoảng một giờ, bệnh nhân chỉ cần gây tê nhẹ nhàng.

Lợi ích cho bệnh nhân như thế nên thị trường cung cấp trang thiết bị thông tim can thiệp cũng ngày một sôi động. Thị trường phát triển, những tưởng dễ kinh doanh, nhưng T., phụ trách phân phối thiết bị thông tim can thiệp cho một hãng nước ngoài tiếng tăm cho biết, kinh doanh hiện tại khó hơn xưa nhiều.

Anh nói: “Ngày trước chỉ có 5 – 7 hãng phân phối, nay có tới 20 – 30 hãng, thượng vàng hạ cám các loại stent. Hàng tên tuổi của Mỹ, Đức đã đành, giờ còn có hàng của Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Âu, thậm chí của Thái Lan, thị trường cạnh tranh rất gay gắt”.

Tuy nhiên, chuyện không đơn giản như thế. Cuối tuần qua, trò chuyện với bác sĩ T., làm việc tại một bệnh viện lớn của TP.HCM, anh nói: “Nhiều người nghĩ bệnh nhân sẽ hưởng lợi vì cạnh tranh nhiều, giá stent sẽ giảm.

Nhưng stent là một dụng cụ đặc biệt liên quan đến tính mạng bệnh nhân, vì thế chỉ có các hãng nổi tiếng Âu Mỹ với công nghệ tinh vi mới chế tạo được stent thật sự tốt.

Stent Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, hay của các nước Đông Âu không thể đạt chuẩn. Vậy mà hiện tại stent các nước này vẫn âm thầm “chạy” vào không ít bệnh viện”.

Thế nào là  “stent dỏm” và phần trăm hoa hồng cho bác sĩ là bao nhiêu?

“Cửa nào để chúng đi vào?”, tôi hỏi. “Cửa hoa hồng cho bác sĩ”, bác sĩ T. trả lời.

Có lẽ thế mà đây là một trong những yếu tố khiến ngành tim mạch can thiệp phát triển. L., bác sĩ quản lý một khoa của bệnh viện tim mạch cho biết, nhiều hãng sản xuất stent của Ấn Độ, Trung Quốc đã tiếp cận ông và đưa ra mức “chi phí bồi dưỡng” rất hậu hĩnh, 30 – 40% cho một stent.

Ông nói: “Giả sử với giá thấp nhất 20 triệu đồng/stent, hoa hồng cho bác sĩ là 6 – 8 triệu đồng. Mỗi ngày bác sĩ chỉ cần can thiệp đặt ba stent là có ngay 20 triệu đồng bỏ túi, không mấy nghề sinh lợi nhanh như thế, nhưng bệnh nhân nào biết họ bị đặt stent dỏm”.

Thế nào là “stent dỏm”? Theo bác sĩ L., đó là stent không được cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ chứng nhận, đặt vào một thời gian bệnh nhân có thể gặp biến chứng, chỗ tắc bị hẹp lại như cũ và họ có thể bị đe dọa tính mạng.

Tại một hội nghị tim mạch can thiệp hồi tháng 6 tại Khánh Hòa, trò chuyện với một bác sĩ có tiếng trong ngành, anh lo lắng: “Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vào cấp cứu, tính mạng treo sợi tóc, bác sĩ nói sao bệnh nhân nghe vậy chứ biết thế nào là “stent chính hãng” hay “stent dỏm”.

Có người vay mượn tiền bạc, cầm cố ruộng vườn, nhà đất để lấy tiền chạy chữa, nhưng nếu bác sĩ đặt cho họ stent Ấn Độ, Trung Quốc để vài tháng sau họ nhập viện cấp cứu trở lại thì quả là bi kịch”.

Nhưng y đức của ngành này còn được nhìn nhận ở những góc độ khác. Cũng tại hội nghị trên, đại diện bệnh viện tỉnh Q. vui mừng cho biết đã bỏ nhiều tỉ đồng mua sắm trang thiết bị để triển khai đơn vị thông tim can thiệp. Nhưng khi được hỏi lại bệnh viện đã phẫu thuật được tim hở chưa, người đại diện cho biết… chưa làm được.

Chỉ có dân chuyên môn mới biết được đây là lỗi nghiêm trọng, vì trong trường hợp can thiệp bị tai biến, bệnh nhân cần được chuyển sang mổ tim, nếu không có phẫu thuật tim, bệnh nhân xem như chết chắc.

Vì điều này mà trong phát triển tim mạch can thiệp bài bản, người ta yêu cầu trước nhất bệnh viện phải phát triển phẫu thuật tim và có phòng mổ tim hẳn hoi.

Trong hơn 50 đơn vị tim mạch can thiệp trên cả nước, bao nhiêu đơn vị không cần làm bài bản như bệnh viện Q.? Nhưng ngay cả khi làm bài bản như nhiều bệnh viện lớn, người ta vẫn băn khoăn.

K., một bác sĩ tim mạch kỳ cựu, nói: “Đâu đó các chỉ định đặt stent vẫn khá dễ dàng. Bảo hiểm y tế chi trả stent chính hãng nên bác sĩ không có gì băn khoăn, nhưng mấy ai biết được mỗi stent đó bác sĩ cũng được hãng chia khoảng 10%.

Một stent tốt giá 40 triệu đồng, bác sĩ có 4 triệu đồng, mỗi ngày đặt năm stent kiếm 20 triệu, lương tâm bác sĩ thanh thản, nhưng ranh giới giữa đặt stent và không đặt đôi khi rất… mong manh”.

Nguồn: tiepthithegioi.vn