Học sinh lớp 1 tử vong: BS Việt ở Mỹ khuyên trường Gateway nên trung thực
“Qua chuyện này, tôi thấy điều mà trường quốc tế Gateway cần phải làm lúc này là “THÀNH THẬT” và thành khẩn nhận lỗi và trách nhiệm của mình trong việc này hơn là quanh co, vòng vo và lảng tránh”.
- “Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Việt Nam còn không được Campuchia công nhận”
- Hồ sơ nhập học Đại học Y Hà Nội gồm những gì?
- Vắc-xin đầu tiên trên thế giới được phát triển hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạ
Bác sĩ cho rằng cháu bé đã tử vong trước khi vào viện nhưng thông báo thiếu trung thực của nhà trường khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Đây là quan điểm của TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím nói.
Bày tỏ sự phẫn nộ khi nhà trường đưa ra thông báo về vụ việc đáng tiếc này không đúng sự thật… khi trong thông báo của nhà trường có ghị “Vào khoảng 16h00, phát hiện sự việc có một học sinh lớp 1 của trường BẤT TỈNH trên xe buýt”, TS Nguyễn Hồng Vũ cho rằng “bất tỉnh có nghĩa là chưa chết khi phát hiện”.
Do vậy nhà trường đã làm những bước sau “nhà trường đã đưa em học sinh vào phòng y tế để sơ cứu”, “gọi xe cấp cứu của Bệnh viện E đưa ngay vào viện” và “bác sĩ đã tận tình và làm tất cả các biện pháp để cứu chữa nhưng rất tiếc là em đã không thể qua khỏi”…
“Đọc đến đây có lẽ trách nhiệm về cái chết của em nhỏ đã được chia sẻ nhỏ ra từ phòng y tế nhà trường, xe cấp cứu rồi đến cả các BS của bệnh viện E… Chữ “BẤT TỈNH” này có sức mạnh riêng của nó nếu sau này được xem là lời khai trước tòa… “, TS Nguyễn Hồng Vũ nói.
Ông cho rằng, câu chuyện này có nhiều tình tiết không rõ ràng:
“Một đại diện nhà trường kể lại khi phát hiện cháu bé trên xe, y tá của trường tiến hành hô hấp, ép lồng ngực, nắn tay chân và thấy mạch của cháu bé còn đập, chân tay mềm.”
Anh Chung – nhân viên trường Gateway kể lại, khoảng hơn 16h30, anh là người bế bé trai 6 tuổi từ chiếc xe đưa đón Ford 16 chỗ đi cấp cứu. “Tôi thấy cháu bé ở ghế sau ghế tài xế nên bế đi”, nhân chứng nói và cho biết anh không còn nhớ vì sao phát hiện ra nạn nhân.
Bác sĩ xác nhận cháu bé tử vong trước khi vào viện.
Theo TS Hồng Vũ, xác định một người chết lúc nào là một trong những tình tiết được xem là rất quan trọng trong các vụ án. Trong trường hợp này cũng vậy, làm sao biết được cháu bé có thật sự chỉ “BẤT TỈNH” khi nhà trường phát hiện cháu sau hơn 8 tiếng bị bỏ quên và nhốt trong xe hay không?!
“Dựa vào tài liệu khoa học về pháp y thì một trong những yếu tố quan trọng để xác định thời gian chết đó là “sự co cứng của tử thi” (tiếng Anh là Rigor Motis). Hiện tượng xác chết bị co cứng là do khi cơ thể chết đi, các tế bào không còn hoạt động nữa, hô hấp tế bào dừng lại dẫn đến cạn kiệt oxy, ATP không còn được tạo ra nữa (ATP là năng lượng được tạo ra từ ty thể).
Do không còn năng lượng, các bơm SERCA có nhiệm vụ giữ cân bằng ion Canxi trong màng lưới cơ tương (sarcoplasmic reticulum) ngừng hoạt động dẫn sự khuếch tán ion Canxi từ nơi có nồng độ cao về nơi có nồng độ thấp kết hợp với troponin và tạo thành cầu nối ngang giữa các protein myosin và actin dẫn đến sự cứng cơ.
Trong các tài liệu về khoa học hình sự người ta cho thấy hiện tượng cứng cơ bắt đầu xảy ra khoảng 1-2 tiếng sau khi chết và đạt đến mức cao nhất sau khoảng 12 giờ, duy trì trạng thái cứng trong khoảng 12 giờ tiếp theo…”, TS Hồng Vũ phân tích.
Dựa trên lời bố cháu nói là vẫn thấy người cháu cứng khi đưa vô bệnh viện và quãng đường từ trường đến bệnh viện khoảng 20 phút, TS Hồng Vũ khẳng định “cháu bé đã chết trước đó”.
Ngoài ra, dựa trên hình ảnh ghi lại được từ camera của trường lúc bảo vệ bế cháu ra khỏi xe (được cho là khoảng 4 giờ chiều). Ở giây thứ 11, khung hình anh bảo vệ bế cháu bé được cắt ra và quay thẳng đứng so với mặt đất cho thấy tay trái của anh bảo vệ bế phần mông của bé (mũi tên xanh lá) và phần đầu gối của cháu bé vẫn duỗi thẳng (mũi tên đỏ) chứ không gập lại do trọng lực như “NGƯỜI CÒN SỐNG”! Điều này cũng có thể cho thấy cháu bé đã chết ít nhất 1 giờ hoặc hơn trước khi được đưa xuống xe…
“Chúng ta có thể thấy các chứng cứ hiện tại cho thấy cháu bé “ĐÃ CHẾT” trước khi được nhà trường phát hiện. Do vậy mọi chuyện diễn ra phía sau như cô y tá của trường tiến hành hô hấp, ép lồng ngực, nắn tay chân là không còn ý nghĩa và càng khó tin khi cô y tá khẳng định cháu “còn mạch đập”!
Qua chuyện này, tôi thấy điều mà trường quốc tế Gateway cần phải làm lúc này là “THÀNH THẬT” và thành khẩn nhận lỗi và trách nhiệm của mình trong việc này hơn là quanh co, vòng vo và lẫn tránh. Tôi mong qua chuyện này cũng là một bài học để các dịch vụ đưa đón các cháu nhỏ cần được làm cẩn thận hơn, nên bổ sung những quy trình bắt buộc cho những người trực tiếp chăm sóc các cháu bé như việc đơn giản nhất là điểm danh các cháu khi lên và xuống xe, khi chuyển các cháu từ người này sang người khác, từ chỗ này sang chỗ khác!”, TS Nguyễn Hồng Vũ chia sẻ.
Nguồn https://infonet.vn/hoc-sinh-lop-1-tu-vong-bs-viet-o-my-khuyen-truong-gateway-nen-trung-thuc-post308683.info