Học phí trường đại học tăng kịch trần: Muốn học Y Dược phải có 1 tỷ đồng!
Năm 2020, học phí của đại học công lập và tư thục đều tăng mạnh. Đặc biệt nếu bạn muốn học Đại học chuyên ngành Y Dược phải có 1 tỷ đồng.
- Nữ sinh đủ điểm đỗ ĐH Dược Hà Nội nhưng trượt vì thiếu điểm học bạ
- UBND TP cử 78 thí sinh đi đào tạo nhân lực y tế tại ĐH Y Dược Cần Thơ
- Các đợt xét tuyển bổ sung vào các trường đại học năm 2020 bắt đầu từ 14/10
Năm học 2020 – 2021, học phí nhiều trường đào tạo ngành Y, Dược trên cả nước sẽ tăng mạnh.
Đặc biệt, khi bạn trở thành sinh viên Y Dược được đào tạo ở trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thì bạn phải tốn hơn 1 tỷ đồng học phí mới lấy được bằng tốt nghiệp ra trường. Thông tin này nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó có các bạn sinh viên học Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.
HOT: Trường công hay trường tư đều tăng mạnh
Năm học 2020 – 2021, học phí nhiều trường đào tạo ngành Y, Dược trên cả nước sẽ tăng mạnh. Điều này tạo ra dư luận trái chiều, tăng học phí thì chất lượng có tăng và làm hẹp cánh cửa vào giảng đường của thí sinh.
Theo mức học phí vừa được trường ĐH Y Dược TP. HCM công bố, học phí mới được điều chỉnh tăng mạnh, gấp 3 – 4 lần so với những năm học trước, áp dụng cho sinh viên trúng tuyển vào trường từ năm 2020 trở đi. Theo đó, mức học phí chính thức năm học 2020 – 2021 các ngành đào tạo đại học với sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2020 bậc đại học các ngành dao động từ 38 – 70 triệu đồng/năm học 10 tháng. Mức này đúng với học phí dự kiến trường đã công bố trong đề án tuyển sinh trước đó.
Cụ thể, học phí ngành cao nhất là Răng Hàm Mặt, với mức học phí 70 triệu đồng/năm, tiếp đến là ngành Y khoa 68 triệu đồng/năm. Ngành Phục hình răng, học phí 55 triệu đồng/năm, ngành Dược học 50 triệu đồng/năm, các ngành của khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học 40 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại 38 triệu đồng/năm gồm: Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dinh dưỡng, Y tế công cộng.
Học phí đào tạo thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I cao nhất là 50 triệu đồng/năm 10 tháng, gồm: Y khoa, Răng Hàm Mặt, Dược học. Tiếp đến, học phí ngành Y học cổ truyền, các ngành của khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật y học thu 40 triệu đồng/năm và các ngành khoa Y tế công cộng 35 triệu đồng/năm.
Các ngành đào tạo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II học phí cao nhất 60 triệu đồng/năm gồm: Y khoa, Răng hàm mặt, Dược học. Tiếp đến là Y học cổ truyền, các ngành thuộc khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật y học 48 triệu đồng/năm và các ngành khoa Y tế công cộng 42 triệu đồng/năm.
Tương tự, trang kỳ thi THPT Quốc gia cập nhật: trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức tạm thu học phí đối với sinh viên nhập học năm 2020, tăng cao hơn so với năm học trước. Cụ thể, sinh viên hộ khẩu tại TP. HCM đóng học phí tạm thu là 14,3 triệu đồng/năm. Sinh viên hộ khẩu các tỉnh, thành khác đóng 28,6 triệu đồng/năm. Theo trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mức tạm thu học phí sinh viên năm I khối đại học chính quy năm học 2020 – 2021 đối với sinh viên có hộ khẩu TP. HCM thấp hơn 50% so với sinh viên có hộ khẩu các tỉnh, thành khác. Như vậy, mức học phí tạm thu năm học mới của trường tăng mạnh so với năm học trước.
Năm 2020, Bộ GD – ĐT giao trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đào tạo ngành Y khoa trình độ đại học. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã tuyển sinh ngành Y khoa ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2020. Đáng chú ý, mức học phí ngành Y khoa là 82,5 triệu đồng/học kỳ, học 6 năm tổng cộng 990 triệu đồng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt. Chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh 99 triệu đồng/học kỳ, có nghĩa là gần 1,2 tỷ đồng cho toàn bộ chương trình đào tạo.
Trong khi đó, ngành Răng – Hàm – Mặt hệ chất lượng cao của khoa Y, ĐHQG TP. HCM là 88 triệu đồng/năm. Học phí ngành Y khoa chất lượng cao của khoa Y là 65 triệu đồng và 55 triệu đồng đối với ngành Dược học chất lượng cao.
Như vậy, với việc tăng học phí từ năm học 2020 – 2021, nhóm trường đào tạo khoa học sức khỏe ở khu vực phía Nam đã không có sự phân biệt công tư về vấn đề học phí, bởi đều cao ngang ngửa nhau. Trong khi đó, hiện nhiều trường y dược phía Bắc như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Dược Thái Nguyên… vẫn có mức học phí là 14,3 triệu đồng/năm, bởi chưa thực hiện tự chủ.
Để nâng cao chất lượng?
Theo lý giải của trường ĐH Y Dược TP. HCM, đây là năm đầu tiên trường thực hiện cơ chế tự chủ nên học phí sẽ tăng cao do không còn được nhà nước bao cấp kinh phí. PGS. TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược TP. HCM nói rằng, căn cứ để trường xây dựng mức học phí là dựa trên Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Nghị định 99, Thông tư số 14. Mức học phí dựa trên chi phí cần thiết để đào tạo sinh viên, cốt lõi là đảm bảo được chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hiện học phí này vẫn chưa tính đúng tính đủ, kể cả với mức học phí dự kiến mà mọi người cho rằng cao thì thực tế trường vẫn phải bù lỗ cho người học.
Với việc tăng học phí từ năm học 2020 – 2021, nhóm trường đào tạo khoa học sức khỏe ở khu vực phía Nam đã không có sự phân biệt công tư về vấn đề học phí, bởi đều cao ngang ngửa nhau.
“Để nói học phí cao hay thấp, có nhiều yếu tố quyết định. Ví dụ, ít nhất có 3 yếu tố: Cơ sở vật chất, trang thiết bị; chương trình đào tạo; đội ngũ giảng viên. Đây là 3 yếu tố quan trọng cấu thành mức học phí”, ông Tuấn nói.
Còn PGS. TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, tổng chi phí đào tạo trung bình một sinh viên/năm trong năm tuyển sinh 2019 của trường là 31,24 triệu đồng.
Hiện nay, sinh viên có hộ khẩu TP. HCM theo học 3 ngành trên chỉ đóng học phí mức 13 triệu đồng/năm, sinh viên các tỉnh thành khác đóng mức 22 triệu đồng/năm. Nhà trường đã đề xuất tăng học phí các ngành Y khoa, Dược học và Răng Hàm Mặt lên tối đa 30 triệu đồng/năm. Học phí cho những chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ được đóng theo tín chỉ theo quy định. PGS. TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói thêm, học phí khối ngành Y Dược quá thấp thì không thể đào tạo được nhân lực bậc cao và để sinh viên cạnh tranh trong khu vực.
Với chính sách học phí hiện nay, rất khó để các trường nâng cao chất lượng đào tạo, trong khi chương trình, tài liệu, giáo trình “xịn”… đều phải mua. Mức học phí thấp cũng gây khó trong việc giữ chân giảng viên giỏi. Những cái khó như mất giảng viên, khó nâng cao chất lượng giảng dạy, mất mã ngành, thụt lùi so với các nước trong khu vực… là những nguy cơ nhóm trường sức khỏe gặp phải khi mức học phí quá thấp.
Tăng chính sách hỗ trợ sinh viên
PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y dược TPHCM khẳng định, không bao giờ có chuyện sinh viên nghèo, khó khăn, học giỏi mà mất cơ hội học tại trường. Với chính sách này, trường sẽ cấp 800 học bổng cho sinh viên khó khăn năm đầu tiên trúng tuyển vào trường. Giá trị các học bổng từ 25 – 100% học phí năm học. Trong đó, 51 sinh viên sẽ được miễn 100% học phí, 80 người được giảm 70%, 153 bạn được giảm 50%, 516 sinh viên được giảm 25%.
Còn tại ĐHQG TP. HCM sinh viên được hỗ trợ vay vốn ưu đãi (không lãi suất) để nộp học phí suốt quá trình học. Sinh viên được vay tiền cần đáp ứng cá tiêu chí là sinh viên chính quy của ĐHQG TP. HCM có hoàn cảnh khó khăn. Đối với sinh viên năm nhất phải có giấy xác nhận nhập học của cơ sở đào tạo. Đối với sinh viên năm thứ 2 trở lên, sinh viên phải có kết quả học tập đạt trung bình-khá (tương đương 6,5/10) trở lên và đạt điểm đánh giá rèn luyện 70/100 trở lên. Sinh viên cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học (không tính thời gian được phép gia hạn).
Nguồn caodangduochoc.edu.vn tổng hợp từ Báo svvn.tienphong.vn