05 khuyến cáo giúp sinh viên thuê trọ không bị “tiền mất, tật mang”
Bị mất tiền đặt cọc, lập lờ các khoản đóng, bị quấy rầy…là những điều sinh viên có thể gặp khi thuê để trọ. Dưới đây là 05 khuyến cáo cần thiết giúp sinh viên thuê trọ không bị “tiền mất, tật mang”
- Những khó khăn nào đang đón chờ sinh viên năm nhất?
- Đề xuất tách thi đại học và thi tốt nghiệp THPT từ năm 2018
- Ngất ngây trước khuôn viên 4 trường Đại học đi một bước, chụp 1000 kiểu ảnh
05 khuyến cáo giúp sinh viên thuê trọ không bị “tiền mất, tật mang”
Trước tình trạng Tân sinh viên băn khoăn trong việc thuê trọ, bắt đầu một cuộc sống mới ra gia đình, Ban tư vấn tuyển sinh Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp các em lựa chọn được chỗ ở thật tốt để sẵn sàng đón nhận quãng thời gian nhiều trải nghiệm và thử thách sắp tới!
Cần có hợp đồng rõ ràng
Những bản hợp đồng thuê nhà thường dài loằng ngoằng, khó hiểu khiến sinh viên muốn ký đại cho xong, nhất là trong trường hợp đang cần chỗ trọ. Việc này rất rủi ro vì hợp đồng thuê nhà là ràng buộc pháp lý. Do đó, việc đọc kỹ và hiểu rõ là rất quan trọng. Trước khi đặt bút ký hợp đồng, hãy dành thời gian đọc chúng, nhất là cần lưu ý những vấn đề như tiền đặt cọc; các thiết bị, vật dụng và điều kiện căn nhà nên do chủ cho thuê chịu trách nhiệm sửa chữa…
Để tránh mất tiền oan, sinh viên phải làm hợp đồng rõ ràng về các khoản như giá phòng bao nhiêu, các khoản phải trả khi thuê cụ thể ra sao, thời gian thuê bao lâu… Điều này buộc chủ nhà phải tính rõ chi phí trọ, đồng thời tránh được việc chủ nhà tăng giá bất thường khiến sinh viên ở không nổi, phải bỏ tiền cọc.
Tìm hiểu hiện trạng căn nhà như thế nào
Người thuê cần yêu cầu chủ nhà liệt kê toàn bộ tài sản đang có trong nhà, đồng thời phải ghi rõ hiện trạng của chúng. Những vật dụng nào còn mới, đã cũ hay sắp hỏng hóc. Nếu cần thiết có thể chụp ảnh và gửi cho chủ nhà để cam kết, tránh trường hợp bị mất tiền oan vì sửa chữa đồ đạc hoặc không thể ở lâu dài vì đồ đạc quá cũ, thậm chí bị “bắt vạ” khi đồ đạc bị hỏng.
Cần tìm hiểu kỹ hiện trạng nhà trọ trước khi tiến hành thuê phòng
Cần xác định giá sử dụng điện, nước
Điều này cần phải rõ ràng trước khi ký vào hợp đồng thuê nhà. Tiền điện, nước có thể tác động không nhỏ đến chi phí thuê nhà.
Bạn B.N. (SV năm thứ nhất Cao đẳng Điều dưỡng) kể lại khi đi tìm nhà trọ được chủ nhà dẫn lên lầu hai xem phòng, căn phòng khá thoáng mát. Về giá cả, chủ nhà nói giá phòng 1,3 triệu đồng/tháng, tiền điện, nước theo giá nhà nước. N. đồng ý, chủ trọ bảo đặt cọc tiền phòng một triệu đồng. Mấy ngày sau, sinh viên này đến lấy phòng thì chủ trọ đưa cho ký bản hợp đồng có nội dung không giống như những gì họ nói trước đó.
“Ngoài tiền phòng, tôi còn phải trả thêm tiền rác, Wi-Fi, bảo vệ mỗi khoản 100.000 đồng/tháng; tiền giữ xe 300.000 đồng/tháng; tiền điện, nước hết 900.000 đồng… Tính tổng cộng, một tháng tôi phải trả hơn 2 triệu đồng. Với số tiền này, tôi không thể nào đáp ứng. Nếu không đồng ý thì chủ nhà nói không ở thì mất tiền cọc”, N bức xúc.
Tránh bị chủ nhà quấy rầy
Có thể thỉnh thoảng chủ sẽ đến căn nhà trọ gặp người thuê. Những trường hợp ở cùng chủ nhà thì chủ trọ luôn là người nắm giữ chìa khóa phòng, cũng như chìa khóa cổng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chủ cho thuê muốn vào nhà cũng được. Sinh viên cần xác định trước là nếu muốn đến phải báo trước tối thiểu bao nhiêu lâu, không nên để chủ nhà tự ý mở cửa phòng và xem xét đồ đạc cá nhân của mình.
Trước khi thuê phòng cần xem kỹ hợp đồng
Thỏa thuận rõ những bước trả nhà
Khi đã thuê nhà, chủ cho thuê sẽ không thể cứ thích là đuổi sinh viên ra được. Hai bên phải thỏa thuận cần thông bao bao lâu trước khi trả nhà, trong bao lâu sẽ không được tăng tiền thuê…Tránh trường hợp bị chủ nhà đòi lại phòng trọ một cách vô lý.
Trên đây là những kinh nghiệm tìm phòng cho sinh viên để có một nơi ở tốt nhất. Ngoài những lời khuyên trên, hãy luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, chúc Tân sinh viên có một hành trang thuận lợi để bắt đầu con đường chinh phục nhiều thử thách và vô vàn điều thú vị phía trước!