Vụ chạy thận Hòa Bình: Bộ Y tế khẳng định bản án phúc thẩm không có giá trị khoa học
Bộ Y tế khẳng định việc các cơ quan chức năng chưa chứng minh được nguyên nhân 8 bệnh nhân tử vong, con đường dẫn tới nguyên nhân tử vong bằng khoa học từ kiến nghị của Bộ Y tế, nhưng vẫn tuyên án, khiến cho Bản án phúc thẩm này không có giá trị khoa học và không thuyết phục.
- “Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Việt Nam còn không được Campuchia công nhận”
- Hồ sơ nhập học Đại học Y Hà Nội gồm những gì?
- Vắc-xin đầu tiên trên thế giới được phát triển hoàn toàn bằng trí tuệ nhân tạo
Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký gửi Thủ tướng Chính phủ
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo quá trình giải quyết tình tiết mớ do Bộ Y tế kiến nghị trong vụ án thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo đó nội dung văn bản nêu rõ ngày 19/6, sau thời gian xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Hòa Bình đã ra tuyên án Vụ án “Vô ý làm chết người’ và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa khiến 8 bệnh nhân tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
HĐXX không bảo đảm khoa học pháp lý
Tại phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của Hoàng Công Lương và 4 bị cáo khác ngày 13/6, đại diện Bộ Y tế từng đưa ra chi tiết 3 chiếc van bị hỏng trong hệ thống RO1 và đặt ra nghi vấn về nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân thiệt mạng có liên quan gì tới 3 chiếc van hỏng hay không?
Các nhà khoa học về thiết bị y tế chứng minh những nghi vấn đặt ra bằng việc thực nghiệm khoa học, chỉ rõ 3 chiếc van bị hỏng đã mở thông con đường làm cho các chất ô nhiễm trong các cột lọc của RO 1 bị bong trôi, đi theo dòng nước không đảm bảo chất lượng chạy thận, xâm nhập tự nhiên vào tank (bồn) RO 2, làm ô nhiễm nước dùng chạy thận cho bệnh nhân.
Theo Bộ Y tế, tại phiên tòa ngày 13/6, khi đại diện Bộ Y tế trình bày chi tiết này, Hội đồng xét xử đề nghị Bộ Y tế gửi văn bản, tài liệu về tình tiết mới cho các cơ quan chức năng để trao đổi, thay vì trực tiếp tranh luận tại tòa, mặc dù những tình tiết mới này liên quan mật thiết tới quá trình điều tra, xét xử vụ án.
Tòa cho biết chỉ mời Bộ Y tế tới để giải thích về quan điểm của mình và trao đổi với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), không phải để tranh luận về khoa học, không cho Bộ Y tế chia sẻ thêm về các tình tiết mới.
Theo văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến ký, Bộ Y tế đã thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, gửi các tài liệu, hồ sơ, chứng cứ khoa học mới phát hiện liên quan tới vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an, đồng thời, Bộ đề nghị xem xét giải quyết tình tiết mới này trong quá trình xét xử phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật, để bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng kể từ khi có bản án phúc thẩm ngày 19/6/2019, Bộ Y tế vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi của Bộ Công an cũng như Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trích dẫn Bản án Phúc thẩm số 20/2019/HS-PT ngày 19/6/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình về xét xử phúc thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại diện Bộ Y tế khẳng định việc Hội đồng xét xử chưa xem xét nghiêm túc tại phiên tòa các kiến nghị khoa học bằng các luận giải khoa học, mà đã khẳng định các kiến nghị của Bộ Y tế “không có cơ sở khoa học” là không bảo đảm khoa học pháp lý, khoa học xét xử.
Thêm vào đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hòa Bình (CSĐT – CA tỉnh HB) không trả lời kiến nghị của Bộ Y tế, nhưng Hội đồng xét xử lại nhận định “Điều này bác bỏ hoàn toàn các lập luận, giả thiết mà Bộ Y tế nêu ra trong các văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng” cũng là ngụy biện.
Bản án không thuyết phục
Bộ Y tế khẳng định việc các cơ quan chức năng chưa chứng minh được nguyên nhân 8 bệnh nhân tử vong, con đường dẫn tới nguyên nhân tử vong bằng khoa học từ kiến nghị của Bộ Y tế, nhưng vẫn tuyên án, khiến cho Bản án phúc thẩm này không có giá trị khoa học và không thuyết phục.
Vì vậy, Bộ Y tế cho rằng cần thiết phải điều tra bổ sung thông qua các biện pháp khoa học, khách quan gồm: thực nghiệm hiện trường pha loãng axit HF để đạt được nồng độ trong kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an (Viện KHHS), thực nghiệm dung dịch a xít HF đó trên máy thận nhân tạo, đánh giá khả năng phá hủy của dung dịch này với quả lọc thận … và một số nội dung khác cần tham khảo các chuyên gia về lĩnh vực y học, trang thiết bị y tế, hóa học, pháp y; Xác định rõ quy cách lấy mẫu, vị trí lấy mẫu, quy trình lấy mẫu, người lấy mẫu; làm rõ việc Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB có thực hiện giám định chất lượng toàn bộ hệ thống lọc nước RO1 và RO2 không, cần thiết dựng lại hiện trường và tổ chức thực nghiệm.
Bô Y tế đề nghị “Xem xét toàn diện việc điều tra các hư hỏng của hệ thống RO1, RO2 để tìm ra đúng nguyên nhân của sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Tổ chức giám định lại pháp y hoặc trưng cầu giám định quốc tế trong trường hợp cần thiết”.
“Rất tiếc, tại phiên tòa hôm đó, Hội đồng xét xử đã không mời đại diện Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh HB đến để làm rõ những nội dung khoa học mà Bộ Y tế kiến nghị, mà chỉ mời đại diện một số các nhà khoa học của Viện KHHS là cơ quan được trưng cầu giám định để phục vụ công tác điều tra. Do đó, một số luận cứ then chốt liên quan đến nguyên nhân tử vong, con đường dẫn đến nguyên nhân tử vong vẫn chưa được làm sáng tỏ về khoa học.
Đại diện Viện KHHS đã giải thích bằng miệng (không có văn bản) tại phiên tòa một số yếu tố khoa học có liên quan đến giám định, nhưng không trả lời được các vấn đề mà Bộ Y tế đặt ra cho Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB. Một số giải thích của đại diện Viện KHHS-BCA chưa làm rõ được bản chất của nguyên nhân tử vong do ô nhiễm đơn chất hay đa chất, chưa luận giải được một số nội dung về các kết quả giám định mẫu nước, dung dịch, hóa chất đã thu giữ, quy trình và thực thi quy trình lấy mẫu…
Đặc biệt, đại diện Viện KHHS khẳng định trước Tòa là đã phát hiện ra 3 van của hệ thống nước RO1 bị hỏng nhưng chưa nêu được căn cứ khoa học để xác định 3 van bị hỏng này. Rất tiếc, đến đây Chủ tọa phiên tòa đã chủ động dừng, không cho tranh tụng khoa học tiếp về vấn đề này.
Đây là điểm mấu chốt sẽ làm thay đổi bản chất Vụ án nếu được chứng minh bằng thực nghiệm điều tra.
Như vậy, một trong những nội dung quan trọng nhất chưa được làm sáng tỏ là việc Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB và cơ quan giám định là Viện KHHS đã phát hiện ra 3 van bị hỏng nằm trên con đường nối tắt thuộc hệ thống RO1 nhưng Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB lại chưa điều tra, thực nghiệm điều tra hiện trường; chưa vẽ lại hoặc chụp ảnh toàn bộ hệ thống RO1, RO2 trong quá trình giám định; cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình dỡ bỏ vật chứng quan trọng của Vụ án là hệ thống RO1, RO2 sai với quy định của pháp luật về tố tụng hình sự” – Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ.
Nhận định của các nhà khoa học về hồi sức cấp cứu, pháp y, trang thiết bị y tế, hóa học, độc chất và pháp lý của Bộ Y tế là việc hệ thống RO1 do hỏng 3 van nước đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO của hệ thống RO1 vào vòng tuần hoàn nước thành phẩm cho máy chạy thận nhân tạo là nguyên nhân khiến 8 người bệnh tử vong cũng không được làm rõ (Đây là tình tiết mới chưa có trong Kết luận điều tra).
“Như vậy, Cơ quan CSĐT – CA tỉnh HB, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình và Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đều chưa chứng minh được nguyên nhân tử vong, cũng như con đường dẫn đến nguyên nhân tử vong bằng khoa học từ kiến nghị của Bộ Y tế nhưng vẫn tuyên án. Do đó, Bản án phúc thẩm này không có giá trị khoa học và không thuyết phục”, văn bản nêu rõ.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng, bản án trên đã lại một lần nữa gây ra tâm lý bất an cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cả nước, những người đang hàng ngày trực tiếp cứu chữa, điều trị, chăm sóc người bệnh bởi vì bất kỳ sự cố y khoa nào xảy ra thì cán bộ, nhân viên y tế nào trực tiếp liên quan đều có khả năng gánh chịu trách nhiệm pháp lý hình sự…
Nguồn https://infonet.vn/vu-chay-than-hoa-binh-bo-y-te-khang-dinh-ban-an-phuc-tham-khong-co-gia-tri-khoa-hoc-post308589.info