Tự chủ bệnh viện: Không còn cảnh bác sĩ giao ban xong ra quán cafe
Hơn chục năm tự chủ tài chính, Giáo sư Trịnh Đình Hải – Giám đốc BV Răng Hàm Mặt Trung ương khẳng định bệnh viện đã thành công. Nhìn lại những ngày trước, ông chia sẻ bác sĩ không còn cảnh giao ban xong ra quán cafe ngồi chờ lĩnh lương như trước.
- Nghệ An: Bé gái tử vong sau khi tiêm vắc xin tại trạm y tế xã
- Đang chơi ngoài cổng, bé gái 22 tháng tuổi bị chó becgie cắn tử vong
- Nữ bệnh nhân “sốc” khi chưa lập gia đình đã phải cắt toàn bộ tuyến vú
Giáo sư Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương
Giảm ngân sách cho nhà nước
Từ tháng 5/2019, 4 bệnh viện gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, theo đề án Nghị quyết thí điểm của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện các bệnh viện này cho biết, tự chủ toàn diện sẽ giúp bệnh viện có điều kiện ứng dụng nhanh các kỹ thuật mới, chủ động trong việc kêu gọi đầu tư giảm áp lực đầu tư từ nhà nước. Trước mắt ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm ngay được 1.200 tỷ đồng tiền trả lương cho cán bộ, nhân viên của 4 bệnh viện.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Mục tiêu của bệnh viện là phải cân đối thu chi và đảm bảo kinh phí duy trì, phát triển”.
Nếu bệnh viện tự chủ, trách nhiệm làm việc sẽ cao hơn, phải giữ được vị trí làm việc của mình; đồng thời khuyến khích nhân viên làm nhiều hơn để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại việc tự chủ tài chính của các bệnh viện sẽ gia tăng chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Đại diện Bộ Y tế khẳng định, các bệnh này cũng phải tuân thủ các quy định về việc thu phí khám chữa bệnh.
Dự kiến, khi 4 bệnh viện trên tự chủ ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng tiền trang bị cơ sở vật chất và kinh phí trả lương cho cán bộ nhân viên. Tự chủ tài chính, người bệnh sẽ là người trả lương cho bác sĩ, vì vậy chất lượng khám chữa bệnh cũng sẽ được nâng cao.
Bác sĩ làm hăng say
Theo Giáo sư Trịnh Đình Hải – Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương quan điểm cá nhận ông tự chủ là tốt. Bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập y tế đầu tiên được giao tự chủ tài chính từ những năm 2007. Giáo sư Hải cho biết, ngày đầu mới nhận quyết định tự chủ tài chính, bản thân ông cũng như lãnh đạo của bệnh viện đều lo ngay ngáy.
“Lúc ấy tôi đang ở Mỹ, anh phó giám đốc của Bệnh viện gọi sang báo anh ơi có khi về xin rút tự chủ thôi chứ như thế này thì chết, không có tiền trả lương nhân viên đâu”.
Nghe đồng nghiệp lo lắng, bản thân bác sĩ Hải cũng không thể đứng yên được. Ông cũng nghĩ lo lắng của anh em là có căn cứ. Mọi người đang được nuôi giờ phải đứng lên tự kiếm thức ăn nên ai cũng lo là điều dễ hiểu.
Ông trấn an ban lãnh đạo phải bình tĩnh, từ từ cân đối và tính toán. GS Hải kể lúc ấy ông cũng lo nhưng ông vẫn tin rằng sẽ có cách để tự phát triển bệnh viện.
Giáo sư Hải kể, khi được nhà nước “nuôi”, bác sĩ đi học cũng phải chờ đến lượt, mua thiết bị mới cũng khó, máy móc thiết bị được đầu tư rất ít. Trong khi đó, ngành nha khoa thế giới phát triển rất nhanh và mình không phát triển kịp sẽ tụt hậu và lúc đó ông cùng ban lãnh đạo ngồi lại với nhau và họp bàn cùng phát triển. Các phó giám đốc ai cũng kiêm nhiệm các khoa lâm sàng và đầu tiên là phát triển các khoa lâm sàng đó trước.
3 khoa được định hướng phát triển thí điểm và nhanh chóng mang lại thành công. Bệnh viện tiếp tục nhân rộng mô hình. Giáo sư Khải cho biết tự chủ được vài năm, bộ mặt bệnh viện thay đổi hẳn. Đời sống anh em tăng lên, ai cũng hăng say làm việc và tự phát triển hoàn thiện mình.
Nhờ đó đến nay bệnh viện đã trở thành đơn vị đầu ngành răng hàm mặt và có những kỹ thuật phát triển nhất trong khu vực như vi phẫu xương hàm. Các bác sĩ ở Singapore và Thái Lan phải sang Việt Nam học tập. Không còn cảnh bác sĩ giao ban xong ra quán café ngồi.
Nguồn https://infonet.vn/tu-chu-benh-vien-khong-con-canh-bac-si-giao-ban-xong-ra-quan-cafe-post305940.info