Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề: Bác sĩ phải thi sát hạch chuyên môn?

Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề: Bác sĩ phải thi sát hạch chuyên môn?

Bộ Y tế đang chuẩn bị Dự thảo thành lập Hội đồng y khoa quốc gia để tổ chức kỳ thi sát hạch năng lực chuyên môn cho những người muốn được cấp chứng chỉ hành nghề Y.

Bác sĩ phải trải qua kỳ thi quốc gia sát hạch mới được cấp chứng chỉ hành nghề?

Bác sĩ phải trải qua kỳ thi quốc gia sát hạch mới được cấp chứng chỉ hành nghề?

Theo đó, kế hoạch này dự kiến sẽ được triển khai chính thức vào năm 2020 tới đối với những y, bác sĩ muốn được cấp chứng chỉnh hành nghề thì buộc phải trải qua kỳ thi sát hạch năng lực chuyên môn do Hội đồng y khoa quốc gia tổ chức.

Muốn có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, sẽ phải trải qua kỳ thi quốc gia sát hạch năng lực chuyên môn ?

Bộ Y tế đang hoàn chỉnh dự thảo đề án để trình Thủ tướng trong năm nay về thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, một trong những chức năng chính của hội đồng này là tổ chức kỳ thi quốc gia sát hạch năng lực chuyên môn của người hành nghề, điều kiện bắt buộc khi xem xét cấp chứng chỉ hành nghề trong thời gian tới (dự kiến bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2020). Nội dung này cũng đang được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, sẽ trình Quốc hội vào năm 2019.

Hành nghề khám chữa bệnh (KCB) đòi hỏi người hành nghề phải có cả năng lực chuyên môn cả về lý thuyết và thực hành, cũng như đạo đức nghề nghiệp do công tác KCB liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB là biện pháp bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo.

Trong thời gian qua, việc cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện dựa trên các cơ sở quy định pháp luật sau: Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009; Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, người có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần nộp bộ hồ sơ theo quy định cho cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Sở Y tế) để được xem xét và cấp. Thành phần hồ sơ bao gồm: (1) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, (2) Bản sao có chứng thực văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn đối với lương y hoặc giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp; (3) Giấy xác nhận quá trình thực hành; (4) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác; (5) Phiếu lý lịch tư pháp; (6) Hai ảnh 04 x 06 cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn.

Như vậy, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh chủ yếu xem xét về thủ tục hành chính, dựa trên hồ sơ, giấy tờ về văn bằng, chứng chỉ do cơ sở đào tạo cấp, giấy xác nhận thời gian thực hành của cơ sở KCB mà không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện, vì vậy chưa đánh giá được người hành nghề có đủ năng lực chuyên môn thực sự để đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu thực hiện hoạt động KCB hay không. Trên thế giới, nhiều nước đã thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thi sát hạch chuyên môn làm cơ sở cấp CCHN, đây là một xu thế tất yếu trong việc quản lý hành nghề KCB. Mô hình này đã được áp dụng ngay tại các nước chậm phát triển, và đang phát triển trên thế giới. Hiện nay, duy nhất chỉ có Việt Nam, Cambodia, Myanmar và Brunei là không thi chứng chỉ hành nghề. Trừ Brunei 100% bác sĩ là từ nước ngoài vào thì Việt Nam là một trong 3 nước có điều kiện để cấp phép hành nghề đơn giản nhất trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Đánh giá năng lực của bác sĩ thông qua kỳ thi sát hạch chuyên môn quốc gia

Đánh giá năng lực của bác sĩ thông qua kỳ thi sát hạch chuyên môn quốc gia

Theo Bộ Y tế, việc xem xét cấp CCHN chỉ dựa vào hồ sơ, giấy tờ cũng sẽ đánh đồng trình độ của những người hành nghề, không phân biệt được người hành nghề có trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề cao với người có trình độ, kỹ năng hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng hành nghề sau này cũng như sự an toàn của người bệnh. Đối với quy định người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề phải có Giấy xác nhận thực hành do cơ sở KCB cấp có thời gian thực hành 18 tháng đối với bác sỹ, 09 tháng đối với điều dưỡng, kỹ thuật viên mới chỉ xác định được về mặt thời gian, chưa cụ thể về nội dung thực hành, tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp cần phải đạt được sau khi hoàn thành thời gian thực hành và cơ chế theo dõi, đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng thực hành. Quy định cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn cũng gây khó khăn cho việc bảo đảm chất lượng hành nghề nhất là khi điều kiện cấp CCHN chủ yếu dựa vào hồ sơ hành chính và các quy định về cập nhật kiến thức y khoa liên tục chưa bảo đảm tính khả thi (hầu hết người hành nghề chưa tuân thủ việc cập nhật đủ 48 tiết trong 2 năm liên tục).

Do đó, để kiểm tra, sát hạch được năng lực chuyên môn của người hành nghề thì việc thay đổi quy định từ cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên hồ sơ, văn bằng chứng chỉ sang hình thức thi sát hạch năng lực hành nghề trên phạm vi quốc gia được thực hiện bởi một tổ chức độc lập với cơ quan quản lý nhà nước là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc đổi hình thức thi chứng nhận năng lực hành nghề làm cơ sở cho việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ giúp kiểm tra, sát hạch được năng lực chuyên môn của người hành nghề, từ đó lựa chọn được đội ngũ nhân lực y tế thực sự có chất lượng nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đem lại an toàn cho người bệnh, hạn chế những hậu quả, tai biến có thể xảy ra trong công tác khám, chữa bệnh. Việc tổ chức kỳ thi quốc gia độc lập thông qua hội đồng y khoa sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá một cách khách quan về thực trạng chất lượng người hành nghề từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KCB. Việc được hưởng những dịch vụ có chất lượng cao sẽ giúp tạo niềm tin cho người dân đối với hệ thống y tế nước nhà.

Bộ Y tế cũng cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, với việc là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam phải tuân thủ theo các hiệp định của Tổ chức này, trong đó có các quy định về dịch vụ y tế. Mặt khác, cùng với việc tham gia vào cộng đồng chung ASEAN, Việt Nam đã ký kết các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong đó có việc cho phép CCHN Y và Nha khoa được cấp bởi các cơ quan chức năng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần phải có những quy định về cấp CCHN bảo đảm tương thích và phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực để phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện để thể nhân, các cá nhân hành nghề của các nước đến Việt Nam để tham gia vào hoạt động KCB và ngược lại, người hành nghề của Việt Nam có thể ra nước ngoài để hành nghề, nhân lực KCB của Việt Nam có thể tham gia hội nhập ngày càng nhiều hơn với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Nguồn theo Sở Y tế TP.HCM – caodangduochoc.edu.vn