Có nên tiếp đào tạo cử tuyển Đại học Y Dược nữa hay không?
Vấn đề cử tuyển vào đại học lại nóng lên khi tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay trong thời gian đầu từ 2006 – 2014 chính sách này phát huy hiệu quả rất cao, nhưng gần đây xem ra không hiệu quả do học sinh học xong về địa phương không bố trí được việc làm.
- Bệnh nhân mắc HIV tại Phú Thọ vẫn có thể sống lâu, sống khỏe nếu dùng thuốc
- Cà Mau thông báo xét tuyển 25 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ năm 2018
- Phú Thọ: Kết quả xét nghiệm cho thấy nhiều người trong xã đã bị nhiễm HIV
Có nên tiếp đào tạo cử tuyển Đại học Y Dược nữa hay không?
Như vậy, vấn đề đặt ra là có nên duy trì chế độ cử tuyển hay không, khi hình thức tuyển sinh này lâu nay luôn tồn tại tiêu cực?
Gian lận về hồ sơ
Khi thực hiện chế độ cử tuyển, nhiều tỉnh đã làm sai quy định. Ngày 11.9.2013, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC. Trong đó, có số liệu về việc cử người đi học cử tuyển không đúng quy định.
Trong giai đoạn 2007 – 2013, số lượng học sinh (HS) các dân tộc thiểu số được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là 12.805 người, đạt 8% chỉ tiêu; vào các trường TC là trên 2.000. Theo quy định của chế độ cử tuyển, ưu tiên xét cử tuyển đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh. Tỷ lệ người dân tộc Kinh được cử tuyển không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, một số tỉnh đã xét tuyển tỷ lệ HS người Kinh cao hơn quy định. Năm 2011, tỉnh Lâm Đồng cử 22 HS người Kinh trên tổng số 60 chỉ tiêu, Đắk Nông cử 38 HS người Kinh trên tổng số 117 chỉ tiêu. Một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã cử hoàn toàn người Kinh đi học. Nhiều dân tộc thiểu số trong nhiều năm không có HS cử tuyển.
Đó là chưa kể những vụ việc gian lận hồ sơ như tại Trường ĐH Y – Dược TP.HCM. Theo Quyết định số 1230/QĐ-ĐHYD ngày 8.5.2017 của Trường ĐH Y – Dược TP.HCM, có 6 sinh viên (SV) bị buộc thôi học từ năm 2016 – 2017. Đây là các SV thuộc diện cử tuyển của tỉnh Bình Phước nhưng gian lận hồ sơ (giả học bạ, giả hộ khẩu thường trú…). Trước đó, vào ngày 10.11.2016, Trường ĐH Y – Dược TP.HCM cũng ra Quyết định số 4364/QĐ-ĐHYD-ĐT buộc thôi học đối với một SV ở tỉnh Bình Phước vì làm giả hồ sơ. Đáng chú ý là các trường hợp gian lận hồ sơ này đều được cơ quan phụ trách xác nhận để đi học diện cử tuyển.
Gian lận về hồ sơ
Chất lượng đầu vào thấp
Theo thạc sĩ Lê Hữu Thức, Hiệu trưởng Trường dự bị ĐH TP.HCM, giai đoạn đầu áp dụng chính sách cử tuyển SV học trực tiếp tại các trường ĐH, nhưng do các trường than phiền nên chuyển qua trường dự bị đào tạo 1 năm để “lọc” trước một bước. Nhìn chung, sau 1 năm học tại Trường dự bị ĐH TP.HCM, chỉ có khoảng 50% SV đủ trình độ để học tiếp chương trình tại các trường ĐH. Việc siết chuẩn tại trường dẫn đến chuyện một số tỉnh không chuyển HS về trường dự bị ĐH mà chuyển vào khoa dự bị của các trường ĐH rồi vào học thẳng ĐH. Theo ông Thức, việc này rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào.
Dù đã được “lọc” trước một bước ở giai đoạn dự bị nhưng nhiều SV diện này vẫn không thể theo được chương trình bậc ĐH. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ở những năm 1990, khi trường còn đào tạo bậc CĐ, SV cử tuyển chỉ được xét vào học bậc này. Sau này ở bậc ĐH, trường cũng chuyển từ đào tạo riêng sang học cùng SV đại trà. Dù vậy, có những thời điểm SV diện cử tuyển có thể tốt nghiệp tại trường không quá 50%. Tình hình tương tự ở các trường khác. Ở Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, học kỳ 1 năm học 2016 – 2017, trong số 19 SV diện cử tuyển mới chỉ có 3 người tốt nghiệp. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong số 16 SV cử tuyển chỉ 2 SV tốt nghiệp.
Số liệu thống kê của UBND tỉnh Bình Phước mới đây cho thấy trong giai đoạn 2006 – 2015, số SV cử tuyển đi học CĐ và ĐH tự ý nghỉ học không có lý do chính đáng và kỷ luật buộc thôi học của địa phương này là 32…
Không phân bổ được việc làm khi ra trường
Ngày 13.8 vừa qua, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc cử HS đi học chưa trúng. Chất lượng học của các cán bộ cử tuyển cũng chưa cao. Đặc biệt là việc cử đi và khi sử dụng không khớp nên học về không có việc làm. Bên cạnh đó, nhiều HS dân tộc miền núi học rất giỏi, nhưng không nằm trong hệ cử tuyển khi trở về cũng không được bình đẳng trong vấn đề việc làm.
Tính đến năm 2016, theo số liệu của Sở Nội vụ Gia Lai, địa phương đã cử 278 trường hợp theo học hệ cử tuyển từ năm 2009 đến nay để tăng cường nhân lực cho địa phương. Có 147 SV tốt nghiệp được tiếp nhận và bố trí việc làm. Số chưa bố trí được việc làm vẫn đang phải làm những việc trái ngành nghề, tự bươn chải và chờ việc làm trong vô vọng.
Không phân bổ được việc làm khi ra trường
Theo Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, tính đến hết năm 2016, tỉnh có 648 trường hợp học cử tuyển nhưng còn 118 người chưa bố trí được công việc, cho đến năm 2019 sẽ có 312 SV chưa thể bố trí được công việc khi tốt nghiệp ra trường. Chính vì vậy, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ đề xuất tạm dừng cử tuyển đến năm 2020 để xử lý tình trạng tồn đọng về việc giải quyết việc làm cho SV sau khi ra trường vì tình hình phân bổ biên chế tại địa phương không được tăng.
Ngày 4.12.2014, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 11 khóa VIII HĐND tỉnh Bình Phước, ông Trần Văn Lân, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Phước, đưa ra con số SV được tỉnh cử đi đào tạo tại các trường ĐH, CĐ và được bố trí công tác. Cụ thể, từ năm 2006 – 2013 là 741 trường hợp được cử tuyển, nhưng chỉ kịp bố trí được 61 người. (Còn tiếp)
Hơn 10 năm thực hiện
Ngày 14.11.2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, TC thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, ngày 15.5.2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2006/NĐ-CP.
Nguồn theo báo Thanh Niên – caodangduochoc.edu.vn