BS.Trần Văn Phúc: Bản năng đàn ông là truyền giống nhưng cứ xin là cho thì nguy hiểm!

BS.Trần Văn Phúc: Bản năng đàn ông là truyền giống nhưng cứ xin là cho thì nguy hiểm!

Đàn ông, bản năng là truyền giống, nên nếu có ai đó “nhờ” thì họ sẽ rất dễ dàng nhận lời giúp, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng nếu để yếu tố bản năng ấy lấn át, thì sẽ rất nguy hiểm cho xã hội.

Các cô gái muốn làm mẹ đơn thân thì nên liên hệ ngân hàng tinh trùng hay xin tinh trùng của người quen biết? – Ảnh minh họa

Trước một thực tế có rất nhiều người có nhu cầu được làm bố, làm mẹ nhưng vì nhiều lý do mà họ không thể thực hiện theo cách tự nhiên. Có một câu hỏi được đặt ra là nếu bạn là đàn ông, bạn có sẵn sàng hiến tặng hay cho tinh trùng để tạo ra những đứa trẻ với mục đích nhân đạo hay không? Các cô gái muốn làm mẹ đơn thân thì nên liên hệ ngân hàng tinh trùng hay xin tinh trùng của người quen biết?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội về câu chuyện này.

PV: Xin chào anh, hiện nay rất nhiều phụ nữ độc thân họ có xu hướng muốn làm single mom, quan điểm của anh như thế nào về xu hướng này?

BS Trần Văn Phúc: Qua số liệu thống kê tôi nhận thấy: trước năm 1960 rất ít phụ nữ chọn cách trở thành bà mẹ đơn thân, lí do chủ yếu vì hoàn cảnh, chứ không phải vì lựa chọn; nhưng sau năm 1960 đã có sự thay đổi ngược lại.

Tôi lấy ví dụ ở Mỹ, tại thời điểm năm 1960 chưa đến 5% trẻ em được sinh ra ngoài giá thú, nhưng con số ấy đã tăng lên 41% vào cuối những năm 2000, tăng đến 64% theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Johns Hopkins.

Khi xã hội phát triển, người phụ nữ được trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng nuôi dạy con cái, họ tự chủ về kinh tế, kiểm soát cuộc sống tốt hơn, nhu cầu tương tác xã hội cao, quyền tự do cá nhân được tôn trọng; đó là lí do để hôn nhân trở nên ít cần thiết hơn với người phụ nữ.

Số liệu thống kê ở 25 quốc gia chủ yếu Mỹ Latin, trong đó có Brazil, Chile, Costa Rica, Jamaica, Mexico và Colombia; ở đó tỉ lệ sinh con ngoài hôn nhân lên tới trên 60%. Riêng Chile, tỉ lệ bà mẹ đơn thân cao nhất thế giới, vào khoảng 70% theo số liệu thống kê năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.

Nhóm 20 quốc gia phát triển khác như Iceland, Estonia, Slovenia, Bulgaria, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Na Uy và Thụy Điển, có hơn 50% các ca sinh nở xảy ra ngoài hôn nhân, được chính phủ trợ giúp bằng nhiều chế độ phúc lợi xã hội.

Ở thái cực ngược lại, các quốc gia đang phát triển và kém phát triển, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các nước ở Bắc Phi, Tây Á và Nam Á, nơi người phụ nữ vẫn chưa tự chủ về tài chính, giao tiếp xã hội và phúc lợi cá nhân thấp, các chính sách hỗ trợ của chính phủ chưa cao; thì ở đó tỉ lệ sinh con ngoài giá thú rất thấp, chỉ dưới 1%.

Việt Nam chúng ta cũng vậy, thời kì bao cấp trở lại trước, những ai sinh con ngoài giá thú bị coi là …chửa hoang, các vùng quê còn đưa ra đình làng phạt vạ, thậm chí gọt đầu bôi vôi và thả trôi sông. Vào thời điểm đó, một phần do điều kiện kinh tế xã hội, một phần do văn hóa giống như các quốc gia Tây và Nam Á, việc sinh con ngoài giá thú là bất thường nên không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, thậm chí bị trừng phạt nặng nề, cả người mẹ và đứa con đều phải nhận sự trừng phạt và sự kì thị.

Gần hai thập kỉ trở lại đây đã có sự thay đổi rõ rệt. Tôi biết hàng trăm phụ nữ độc thân đã trở thành mẹ. Và tôi không ngạc nhiên, khi hôm nay xu hướng phụ nữ Việt đang lựa chọn cách sống độc thân, dự kiến năm 2019 ở các thành phố lớn sẽ có hơn 10% dân số không lập gia đình.

“Xã hội hiện đại thì cuộc sống đơn thân là một sự lựa chọn. Tôi thực sự tôn trọng những người phụ nữ bận rộn, sôi nổi, hướng đến những mục tiêu phấn đấu hấp dẫn trong cuộc sống; bởi phụ nữ hôm nay không phải được sinh ra chỉ để chờ đợi một người đàn ông đến xác thực mình vẫn đang tồn tại” – BS. Trần Văn Phúc

PV: “Con không cha như nhà không nóc”, đó là câu tục ngữ ông bà ta vẫn nói về những gia đình thiếu vắng sự che chở, uốn nắn dạy bảo con cái của người đàn ông. Vậy những đứa trẻ ngoài giá thú không có bố sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa anh?

BS Trần Văn Phúc: Tôi không cho rằng những đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ tốt hơn những đứa trẻ sống với bà mẹ đơn thân. Các nghiên cứu ở xã hội phương Tây, nơi tỉ lệ sinh con ngoài giá thú trên 50%, cũng cho kết quả không có sự khác biệt cả về thể chất cũng như tâm lí giữa trẻ ngoài giá thú với trẻ có đủ cha mẹ.

Một đứa trẻ trai lớn lên có thể phải vào tù, một đứa trẻ gái có thể bừa bãi tình dục và lối sống, chúng có thể bỏ học sớm; nó cũng xảy ra với cả những gia đình có cuộc sống không hạnh phúc, bố mẹ li dị, trầm cảm, thiếu nhận thức giáo dục con cái.

Tất nhiên, một đứa trẻ ngoài giá thú mà người mẹ ở trong hoàn cảnh nghèo khó, không có khả năng tự chủ cuộc sống, nhận thức bị hạn chế, không có kiến thức và kĩ năng nuôi dạy con thì điều tất yếu đứa trẻ sẽ phải đối mặt với những dị biệt đáng kể.

Nhưng tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng, trong xã hội hiện đại hôm nay, người phụ nữ độc thân luôn có sự tận tâm đến kinh ngạc với con cái, trong khi chính những gia đình kết hôn đầy đủ lại đang bị cuộc sống cuốn trôi đi và bỏ rơi con.

Trong nhiều thiên niên kỉ, hôn nhân hoặc được coi là bước đầu tiên của tuổi trưởng thành, hoặc là bước cuối cùng; nhưng trong thực tế, nhiều cặp vợ chồng sống cùng nhau sinh con đẻ cái, họ chỉ hạnh phúc được một thời gian, sau đó người phụ nữ lại phải nuôi con một mình. Vì thế mà tôi cho rằng, trong xã hội hiện đại hôm nay, việc người phụ nữ trở thành người mẹ tốt sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với tờ giấy đăng kí kết hôn.

PV: “Trở thành người mẹ tốt sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với tờ giấy đăng kí kết hôn!” – vậy người phụ nữ không cần phải lấy chồng, họ có thể xin tinh trùng theo cách nào đó, để có một đứa con?

BS. Trần Văn Phúc: Không chỉ phụ nữ đơn thân, mà ngay cả những cặp “vợ chồng” đồng tính, hay những trường hợp hiếm muộn, họ sẽ có nhiều lựa chọn về biện pháp sinh con; đó là các biện pháp IVI, ICI, IUI và IVF.

Biện pháp sơ đẳng nhất là thụ tinh nhân tạo trong âm đạo, viết tắt là IVI, được thực hiện lần đầu tiên bởi Tiến sĩ William Pancoast vào năm 1884, tại Đại học Y Thomas Jefferson ở Philadelphia (Mỹ), bằng cách bơm trực tiếp tinh trùng vào âm đạo, không qua giao hợp.

IVI được thực hiện nhiều thập kỉ sau đó, người hiến tinh trùng được giữ bí mật, chủ yếu là sinh viên y khoa. Có khoảng 250 triệu tinh trùng bơm vào âm đạo, may mắn thì 1 trong số 250 triệu tinh trùng về đến đích, nghĩa là có sự thụ tinh với trứng để hình thành phôi; trung bình khoảng 5 đến 6 lần bơm sẽ có 1 lần đạt kết quả.

Về sau, để tăng hiệu quả thụ tinh, các bác sĩ thực hiện bơm thẳng tinh trùng vào buồng tử cung, thông qua một ống thông nhỏ, gọi là ICI.

IUI là phương pháp thụ tinh nhân tạo ở mức cao hơn nữa, tinh trùng được “rửa sạch” bằng cách loại bỏ Protein ra khỏi tinh dịch, loại bỏ các tinh trùng chết và tinh trùng yếu, chỉ giữ lại những tinh trùng khỏe mạnh nhất, rồi dùng một ống nhỏ để bơm vào buồng tử cung ở đúng thời điểm rụng trứng.

Thụ tinh trong ống nghiệm IVF, là kĩ thuật chọn lọc tinh trùng cho thụ tinh với trứng ở trên đĩa môi trường trong phòng thí nghiệm, thường là khoảng 6 đến 10 phôi, sau đó bác sĩ thực hiện chuyển phôi khỏe mạnh vào buồng tử cung của người mẹ hoặc người mang thai hộ.

BS Trần Văn Phúc

Từ nửa sau thế kỉ XX cho đến nay, loài người được chứng kiến sự bùng nổ những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ sinh sản, bao gồm từ thụ tinh nhân tạo cho đến chuyển phôi, hôm nay công nghệ sinh học cho phép lọc tinh trùng để lựa chọn giới tính, đã bắt đầu tiếp cận với công nghệ chỉnh sửa gen trong ống nghiệm, tương lai có thể sẽ là sinh sảnh vô tính và nhân bản.

Xã hội hiện đại sẽ nảy sinh những nỗi ám ảnh hiện đại. Chưa biết chừng, đến một ngày nào đó người phụ nữ sẽ không cần tinh trùng mà họ vẫn sinh được đứa con giống hệt một người đàn ông mà họ muốn, người đàn ông cũng chẳng cần phụ nữ mà họ vẫn “đẻ” được; và khi đó xã hội sẽ không còn dừng lại ở nỗi ám ảnh.

PV: Vâng, những nỗi ám ảnh tự sinh ra toàn quý tộc hay toàn phát xít, đó là nỗi ám ảnh của thì tương lai rất xa. Tôi muốn quan tâm đến thì hiện tại. Cụ thể, tôi có một chị bạn quyết định làm single mom nhưng gia đình phản đối vì chị ấy khá xinh đẹp, công việc lại ổn định. Chị ấy dự định xin “con giống” từ ngân hàng tinh trùng. Gia đình lại phản đối lần nữa, vì họ “sợ” mẫu tinh trùng ở ngân hàng không đảm bảo, biết đâu người hiến không học hành tử tế, nghề nghiệp không ổn định nên đi bán tinh trùng lấy tiền. Vậy anh nghĩ  sao, có nhất thiết phải biết rõ bố của con mình là ai không?

BS Trần Văn Phúc: Chúng ta vẫn nói con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Điều đó đúng, nhưng tôi cho rằng chưa đủ, vì con người còn phụ thuộc vào nguồn gốc sinh học của mình nữa.

Nghĩa là, tinh trùng của một người có tố chất thể thao, thì xác suất đứa con có tố chất thể thao cũng sẽ cao hơn. Người đàn ông đẹp trai thì đứa trẻ sinh ra có thể được thừa hưởng nhiều nét đẹp về hình thể. Tinh trùng của nhà khoa học rất có thể giúp đứa trẻ có chỉ số IQ cao. Bởi vậy, quyết định lựa chọn tinh trùng theo những tiêu chí cụ thể của người mẹ, đó là mong muốn chính đáng và cũng là điều hết sức quan trọng.

Chị em nên xin tinh trùng từ ngân hàng hay xin trực tiếp? Đó là mối quan tâm của nhiều chị em có nhu cầu làm mẹ đơn thân.

Hiến tinh trùng, trọn một thế kỉ được coi là sự xấu hổ, nên thông tin về người hiến được giữ bí mật hoàn toàn. Tất cả các ngân hàng tinh trùng trên toàn thế giới đều thực hiện bảo mật hai chiều, người cho không biết người nhận và người nhận không biết người cho ngoài thông tin về chủng tộc và sự đảm bảo về hồ sơ sức khỏe, đó cũng là cách để giữ gìn hạnh phúc gia đình cho các cặp vợ chồng.

Năm 1983, Mỹ là quốc gia đầu tiên thực hiện quy định các ngân hàng tinh trùng phải cung cấp hồ sơ người hiến với các thông tin về chủng tộc, màu da, chiều cao, cân nặng, hồ sơ y tế; có thể thỏa thuận cung cấp danh tính người hiến cho đứa trẻ sau khi đến tuổi 18.

Ngay sau đó, hàng loạt các quốc gia như Thụy Điển, Áo, Thụy Sĩ, Úc, Hà Lan cũng cho phép cung cấp các thông tin về người hiến tinh trùng, cả về trình độ học vấn và chỉ số IQ. Người hiến có thể giữ kín danh tính, cũng có thể công khai một cách chi tiết với người nhận. Trường hợp công khai danh tính, nhiều luật sư khuyên hai bên cần có một hợp đồng về tính bảo mật ra bên ngoài, sự liên quan, quyền lợi và nghĩa vụ tài chính của người hiến tinh trùng với đứa trẻ trong tương lai.

Việc hiến và nhận tinh trùng được các ngân hàng tinh trùng trên thế giới quản lí theo quy trình hết sức chặt chẽ. Nhưng vẫn xảy ra những sai sót, đó là người hiến giấu các căn bệnh nghiêm trọng, thậm chí bị tâm thần phân liệt có nguy cơ di truyền sang đứa trẻ, tội phạm hình sự đã bị xử tù, đặc biệt là một trường hợp kẻ giết người dã man vẫn hiến được tinh trùng ở Đan Mạch vào năm 2003.

Những năm gần đây, xu hướng trên thế giới người phụ nữ đơn thân khi quyết định có con, hoặc họ chọn một người quen biết đủ tiêu chuẩn và tự nguyện hiến tinh trùng, hoặc chọn người hiến công khai danh tính, nếu người hiến ẩn danh thì ngân hàng tinh trùng cũng phải cung cấp đầy đủ những thông tin từ thể chất cho đến trí tuệ và các vấn đề đạo đức lối sống.

Quyết định lựa chọn tinh trùng theo những tiêu chí cụ thể của người mẹ, đó là mong muốn chính đáng và cũng là điều hết sức quan trọng.” – BS. Trần Văn Phúc

Việt Nam hiện quy định người hiến tinh trùng từ 18-45 tuổi, có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh tâm thần hay bệnh di truyền, học vấn tối thiểu là tốt nghiệp cấp 2. Tinh trùng sau khi được lưu giữ ở ngân hàng không được ghi tên tuổi và địa chỉ người hiến. Người cho và người nhận không được phép biết thông tin về nhau.

Rõ ràng, người phụ nữ sinh đẻ theo phương pháp truyền thống, nghĩa là xây dựng gia đình và có con, thì người phối ngẫu cũng phải được lựa chọn theo những tiêu chí phù hợp với quan điểm và sở thích của người phụ nữ. Việc sinh con ngoài giá thú, quan điểm của tôi cũng có những nét tương đồng với việc sinh đẻ theo phương pháp truyền thống, nghĩa là người phụ nữ có quyền lựa chọn nguồn gốc tinh trùng theo những tiêu chuẩn và sở thích; điều này đã được các quốc gia thực hiện, vậy nên chăng chúng ta cần thay đổi và đưa vào luật hóa cụ thể.

PV: Nếu là anh, anh có sẵn sàng giúp một phụ nữ nào đó muốn làm single mom không? Vì tôi nghe nhiều nam giới nói nếu có ai “nhờ” họ sẵn sàng? Và anh có sợ danh tính bị tiết lộ với người mẹ và đứa con sẽ gây ra sự phiền toái?

BS Trần Văn Phúc: Đàn ông, bản năng là truyền giống, nên nếu có ai đó “nhờ” thì họ sẽ rất dễ dàng nhận lời giúp, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng nếu để yếu tố bản năng ấy lấn át, thì sẽ rất nguy hiểm cho xã hội, nghĩa là một người có thể hiến tinh trùng cho rất nhiều người; điều này đã từng xảy ra trên thế giới nên chúng ta cần phải có biện pháp ngăn chặn.

Cụ thể, theo quy định, mỗi người chỉ được hiến tinh trùng để sinh ra 1 đứa trẻ, nhưng qua thông tin báo chí tôi được biết ở thời điểm hiện tại cả nước có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản, chỉ 7/23 trung tâm có phần mềm phát hiện người hiến tinh trùng lặp lại, ngay cả 7 trung tâm ấy thì phần mềm cũng không có sự liên thông. Nghĩa là, người hiến tinh trùng có thể lách để hiến nhiều lần ở một hoặc nhiều trung tâm.

Để ngăn chặn bản năng truyền giống, không có cách nào khác ngoài việc bắt buộc các trung tâm hỗ trợ sinh sản phải sử dụng phần mềm phát hiện số chứng minh thư, vân tay, hình ảnh của người đã từng hiến tinh trùng ở bất cứ đâu và bất cứ thời điểm nào trước đó.

“Bản thân tôi, nếu như “may mắn” được ai đó “nhờ” thì tôi cũng không sợ việc phải tiết lộ danh tính với người nhận. Bởi tôi hiểu, người phụ nữ có thể rất khó để giữ những bí mật trong suốt cuộc đời, ngoại trừ ai mới đúng là người bố sinh học của con mình.” – BS. Trần Văn Phúc.

Điều 7 và 8 tại Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em, ban hành năm 1989, quy định trẻ em có quyền biết về nguồn gốc của mình. Nhưng để tránh những rắc rối, luật pháp các quốc gia quy định, danh tính của người hiến tinh trùng chỉ được thông báo cho đứa trẻ khi đã đủ 18 tuổi để đứa trẻ có thể độc lập quyết định những vấn đề liên quan đến pháp lí. Hàng loạt các nghiên cứu trên thế giới, thực hiện ở nhóm những người phụ nữ nhận tinh trùng từ người đàn ông cung cấp rõ danh tính, nhưng chỉ dưới 5% người mẹ nói với con của họ về nguồn gốc, cũng chưa có những rắc rối xảy ra sau đó.

Xin cảm ơn anh!

Nguồn https://infonet.vn/bstran-van-phuc-ban-nang-dan-ong-la-truyen-giong-nhung-cu-xin-la-cho-thi-nguy-hiem-post312127.info