Cứu bệnh nhân không cứng nhắc theo quy trình
Trong điều trị có những quy định, quy trình. Tuy nhiên để cứu bệnh nhân kịp thời, không phải lúc nào bác sĩ cũng cứng nhắc theo quy trình.
- Saffron – nhụy hoa nghệ tây có phải là “thần dược” như bạn nghĩ?
- Cùng chuyên gia Y Dược tìm hiểu về ngộ độc Paracetamol
- Người đàn ông khoẻ mạnh, tử vong sau 2 ngày vào viện vì sốt xuất huyết
Các BS Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị thăm khám cho mẹ con sản phụ Hồ Thị Hình, NGUYỄN PHÚC
Đêm 5.8, ê kíp mổ của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị bỏ qua “quy trình”, cứu sống sản phụ Hồ Thị Hình (21 tuổi, thôn Chân Rò, xã Đakrông, H.Đakrông) cùng bé sơ sinh 2,7 kg bị sa dây rốn, nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ (BS) Trần Trung Hoành (Khoa Sản, BVĐK tỉnh Quảng Trị), người tham gia ca mổ, nói: “BS nào cũng vậy, ai mà không xem tính mạng người bệnh là trên hết. Không riêng gì tôi mà có nhiều ca khác cũng thế, nhiều BS cũng sẽ làm hết sức để cứu bệnh nhân (BN)”.
Cứu người trước
Trước đó, một nam BN (37 tuổi, quê Cà Mau) vào BV Nhân dân Gia Định TP.HCM trong tình trạng hôn mê, huyết áp không đo được, có dấu hiệu ngưng tim, vết thương cổ bên phải 1,5 cm, chảy máu dữ dội, nguy cơ tử vong rất cao. BV kích hoạt báo động đỏ nội viện và đưa thẳng BN vô phòng mổ, cầm máu khẩn và truyền máu; các BS mổ xuyên đêm cứu BN. Lúc đó, BN không có thân nhân nào đi cùng để ký cam kết cho phép mổ hay đóng viện phí.
BV Chợ Rẫy TP.HCM cũng từng cứu một nam du khách người Nhật (70 tuổi) đột ngột lên cơn đau ngực, ngất lịm khi vừa đến TP.HCM. Tại khoa cấp cứu, BN được dự liệu 90% tử vong, nên được đưa ngay vào phòng mổ (ở khoa cấp cứu) mổ tim khẩn vì không đủ thời gian để di chuyển lên phòng mổ chính của BV. Theo quy trình bình thường, để phẫu thuật tim, cần có thời gian làm các xét nghiệm, nhưng với ca cấp cứu này, nếu kéo dài sẽ khó đảm bảo tính mạng BN.
Niềm vui của ê kíp mổ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị khi cứu được mẹ con sản phụ Hồ Thị Hình, ẢNH: T.T.H
BS Trương Xuân Nhuận, Phó giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Trị, cho biết nếu theo đúng quy trình, với ca mổ như vừa qua tại BV này cần có hồ sơ bệnh án, các xét nghiệm cơ bản. Trước khi mổ phải hội chẩn và người nhà phải ký cam kết đồng ý mổ… “Với những ca như trên, trong y khoa gọi là “thời gian vàng” để cứu BN, chỉ tính bằng phút, giây, nếu làm đúng thủ tục thì BN đã tử vong hoặc nếu sống thì có nguy cơ chịu nhiều di chứng”, BS Nhuận nói. Theo BS Nhuận, việc bỏ qua quy trình để mổ cho BN ở BVĐK Quảng Trị cũng như nhiều BV khác là không quá hiếm hoi vì BS phải cứu người trước chứ không chờ… giấy tờ.
Về thủ tục yêu cầu BN hoặc người nhà ký cam kết trước khi thực hiện phẫu thuật được một số ý kiến cho là “giải pháp thiên về đảm bảo trách nhiệm của BS hơn là BN”, BS Nhuận thẳng thắn: “Phải làm thế, bởi mỗi lần y, BS bỏ qua quy trình để cứu người thì đã đi ngược lại quy trình của Bộ Y tế và vi phạm pháp luật. Nếu ca mổ mẹ con sản phụ Hình không thành công, nếu có khiếu nại, ai sẽ bảo vệ kíp mổ trước dư luận, trước pháp luật? Bản thân tôi là lãnh đạo BV, tôi cũng không thể lo nổi cho anh em cấp dưới trong trường hợp như thế”.
Theo BS Nhuận, hiện chưa có một văn bản nào quy định bảo vệ nhân viên y tế trong việc “vượt rào” để cứu người. BS Nhuận kiến nghị, đối với những trường hợp đặc biệt, khi BS bỏ qua thủ tục hành chính thì rất cần phải được bảo vệ bằng một quy định, một thủ tục hành chính khác.
“Đó là làm đúng chuyên môn”
Về việc ê kíp mổ ở BVĐK Quảng Trị đã bỏ qua quy trình để cứu BN, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng: “Đó là làm đúng chuyên môn và đúng quy định chứ không phải bỏ mặc quy trình”.
Trong các tình huống cấp cứu, khi bác sĩ xác định tính mạng bệnh nhân nguy kịch, thủ tục hành chính sẽ được bỏ qua và cũng không phải chờ có cam kết của bệnh nhân và người nhà, Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Ông Khoa cho biết, luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng như quy chế BV về cấp cứu đã có các quy định phù hợp với các tình huống khác nhau. Trong trường hợp khẩn cấp, BS là người hoàn toàn chịu trách nhiệm chuyên môn, đánh giá tình trạng bệnh và tiên lượng diễn biến để ra quyết định mà không phải chờ hoàn thành các thủ tục hành chính. “Trong các tình huống cấp cứu, khi BS xác định tính mạng BN nguy kịch, thủ tục hành chính sẽ được bỏ qua và cũng không phải chờ có cam kết của BN và người nhà. Trong tình huống này, nếu BN không thể qua khỏi thì BS vẫn được bảo vệ chứ không thể vì không có cam kết mà đổ lỗi cho BS”, ông Khoa nói.
Theo ông Khoa, với trường hợp điều trị, cấp cứu thông thường, việc yêu cầu BN hoặc người nhà ký giấy đồng ý phẫu thuật, can thiệp điều trị cho người bệnh là cần thiết. Bởi nếu BN không đồng ý thì BS không thể thực hiện và BS có trách nhiệm giải thích, tư vấn để BN hiểu rõ về tình trạng sức khỏe, sự cần thiết của việc phẫu thuật, can thiệp.
BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, nhìn nhận trong cấp cứu không thể lúc nào cũng phải áp dụng đúng một quy trình chuẩn. Bởi có trường hợp khẩn, nếu thực hiện theo đúng quy trình thì BN nắm chắc tử vong. “Làm sao cứu được BN, đó là y lệnh cao nhất. Mỗi năm, BV Chợ Rẫy cứu nhiều ca như vậy. Khi đó, yếu tố khẩn cấp được ưu tiên hàng đầu. Điều này hoàn toàn không sai quy định”, BS Việt nói.
Theo GS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), trong tình huống khẩn cấp, BS được quyết định về thực hiện chuyên môn để cứu BN mà không phải chờ các thủ tục hành chính. Việc này cũng là áp lực trách nhiệm với BS, nhưng tính mạng người bệnh luôn được đặt lên trước.
Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, TP.HCM cứu sống nhiều ca khi không cứng nhắc theo quy trình, ẢNH: DUY TÍNH
Cần bảo vệ bác sĩ
Thực tế, có những trường hợp BS “vượt rào” để cứu BN thành công, nhưng cũng có những trường hợp không mong muốn, BN trở nặng, tử vong, thì BS bị người nhà BN hành hung. Do vậy cần bảo vệ y, BS.
Theo BS Trương Xuân Nhuận, các bộ, ngành chưa có văn bản cụ thể quy định, bảo vệ cho cán bộ ngành y tế trong việc “vượt rào” để cứu người. “Thật khó để nói rằng các y, BS đặt 100% tâm sức vào việc cứu người mà không lợn cợn suy nghĩ về những vấn đề khác”, BS Nhuận nói.
BS Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết nhiều năm qua BV Đà Nẵng đã mua bảo hiểm cho hơn 2.000 BS, nhân viên y tế của BV, nhằm phòng ngừa các trường hợp tai nạn, thương tích, phơi nhiễm… trong quá trình hành nghề. Tương tự, tại BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, hơn 1.000 nhân viên y tế tại đây cũng được mua bảo hiểm.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, một khảo sát nhanh tại hội nghị về an toàn người bệnh được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017 cho thấy mới có khoảng 20% BV mua bảo hiểm trách nhiệm cho BS. Ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng lãnh đạo các BV cần quan tâm thực hiện đầy đủ quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh. Ngoài bảo vệ người bệnh, bảo hiểm trách nhiệm cũng là hình thức bảo vệ cho các BS trong công tác chuyên môn.
Nên liệt kê trường hợp khẩn
Trong thực tế, không hiếm trường hợp BS muốn cứu BN nhưng vẫn đắn đo trước những quy định mang tính hành chính. BS Trương Xuân Nhuận nói: “Tôi đề xuất Bộ Y tế nên có quy định đối với những trường hợp mang tính khẩn cấp thì BS có thể bỏ qua quy trình thông thường, xử lý cho BN trước, còn đúng sai sẽ có hội đồng, hội chẩn thành lập sau. Bộ Y tế và Hội đồng chuyên môn của Cục Quản lý khám chữa bệnh nên có quy định, liệt kê những trường hợp nào được cho là khẩn cấp, BS được “vượt rào” không cần phải suy nghĩ. Trong y khoa, những trường hợp đó không phải là quá nhiều, hoàn toàn có thể thống kê và đưa vào quy định được”.
Nguồn https://thanhnien.vn/thoi-su/cuu-benh-nhan-khong-cung-nhac-theo-quy-trinh-1116004.html