Cảnh ám ảnh nam bác sĩ ngày đầu đến nhận việc ở bệnh viện tâm thần
Ngày đầu đi nhận việc ở bệnh viện Tâm thần, vừa đến cổng, bác sĩ Hiển nói với người bạn đi cùng: ‘Hai năm sau, tôi sẽ nộp đơn xin thôi việc’.
- Cảm động nỗ lực giữ con của bà mẹ mang trong mình căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối
- Sản xuất thành công miếng dán khép kín vết thương nhanh gấp 8 lần so với khâu truyền thống
- Triển khai phẫu thuật kéo dài chân đạt nhiều thành tựu mới
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển trả lời báo chí về đêm nhạc từ thiện. Ảnh: NVCC.
Đến hôm nay, bác sĩ chuyên khoa cấp II Huỳnh Thanh Hiển hiện là trưởng khoa T3, bệnh viện Tâm thần TP.HCM vẫn thấy quyết định ở lại nơi đây làm việc hơn 30 năm là đúng. Ông cho biết, trước đây ông học chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Tốt nghiệp, ông nhận quyết định về bệnh viện Tâm thần làm việc.
‘Hồi đó, để nhận được bằng tốt nghiệp, các sinh viên học bác sĩ phải đến bệnh viện mình được phân công làm việc hai năm đầu’, bác sĩ Hiển nói.
Đi cùng ông còn có một bác sĩ trẻ khác. Đến cổng bệnh viện, nhìn thấy một bệnh nhân la hét, bị người nhà trói tay chân, chở trên xe ba gác đưa vào bệnh viện, bác sĩ Hiển quay sang nói với người bạn đi cùng: ‘Hết hai năm thử thách, nhận được bằng tốt nghiệp, tôi sẽ làm đơn xin thôi việc’.
Bác sĩ Hiển cho biết, theo bảng phân loại của Tổ chức y tế thế giới có đến 100 bệnh tâm thần khác nhau. Tâm thần phân liệt chỉ là một thể nặng nhất nằm trong 100 thể bệnh. Thể bệnh này phải điều trị suốt đời trong khi các thể bệnh như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ chỉ cần điều trị một thời gian.
Ngày nay, sự hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần đã khác. Vì thế, hiện nay, mỗi ngày bệnh viện có hàng ngàn người đến khám. Chỉ cần mất ngủ, trầm cảm, lo âu là họ đi khám.
Còn trước đây, hầu như chỉ có tâm thần phân liệt mới đến bệnh viện khám, vì thế, số người đi khám ít, chỉ khoảng 20-30 người/ngày mà 2/3 đến bệnh viện bằng hình ảnh: tay chân bị trói, ngồi trên xích lô có người nhà giữ chặt. ‘Khi đi thực tập, tôi đã tiếp xúc với họ từ xa. Nghĩ đến mình phải tiếp xúc với họ hàng ngày, tôi thoáng sợ’, bác sĩ trưởng khoa T3 nói.
Ông cho biết, khi bắt tay vào làm việc, được tiếp xúc, nói chuyện và chứng kiến những câu chuyện của người bệnh tâm thần ông mới bắt đầu yêu thích công việc này.
‘Đa số người bệnh tâm thần rất hiền lành, chỉ một số ít trong trạng thái kích động hành vi mới gây nguy hiểm. Hằng ngày có biết bao nhiêu vụ đâm chém nhau, nhưng chỉ một vụ do người bệnh tâm thần gây ra thì dư luận đã xôn xao và tin tức được lan truyền nhanh chóng.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển. Ảnh: P.T.
Vậy là, họ bị người thân ruột thịt của mình rũ bỏ, phải sống nhờ vào sự trợ cấp của nhà nước và các nguồn từ thiện’, vị bác sĩ nói và cho biết, hơn 30 năm làm việc, chuyện làm ông buồn nhất là người bệnh bị người nhà bỏ rơi.
Giọng ông chùng xuống khi kể câu chuyện của anh thanh niên to khỏe, thông minh là anh Minh (quận Bình Tân). Do căng thẳng trong công việc, mất ngủ dài ngày và bị sốc khi bị bạn gái bỏ, anh phát bệnh.
Ban đầu, mẹ anh còn sống, hàng tuần bà đều đến bệnh viện chăm sóc con trai. Các em anh thường mang cơm, đồ ăn, cuối tuần đến thăm anh một lần. Chăm con trai chưa đầy năm, mẹ anh Minh qua đời. Từ đó, anh bị bỏ lại ở bệnh viện.
Liên lạc với người nhà không được, bệnh viện phải chuyển anh Minh đi Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần của ngành Thương binh Xã hội.
Một lần đi công tác hỗ trợ chuyên môn ở một trại tâm thần, nhìn thấy quần của một bệnh nhân nữ dính máu của chu kỳ kinh nguyệt, ông giật mình. Còn cô gái kia mặt ngơ ngác, mắt vô hồn. Được đồng nghiệp cho biết, kinh phí nhà nước cấp không đủ nên không còn tiền mua băng vệ sinh cấp cho bệnh nhân nữ. Nghe xong, lòng vị bác sĩ trĩu nặng.
Trở về, ông cùng các đồng nghiệp đi xin nguồn tài trợ để có quỹ mua băng vệ sinh cho bệnh nhân nữ. ‘Một đơn vị đã giúp tôi làm việc này. Bây giờ, tất cả các bệnh nhân nữ ai cũng được tài trợ khoản này’, bác sĩ Hiển nói.
Trong 30 năm công tác tại bệnh viện ông thấy nhiều câu chuyện đời: Vợ chồng bỏ nhau khi người kia bị bệnh; anh em và thậm chí cả con cái cũng có người muốn rũ bỏ trách nhiệm với cha mẹ nhưng ông chưa thấy trường hợp nào mẹ bỏ con, dù họ lớn tuổi hay nghèo đến mấy cũng không bỏ rơi con mình.
Có lần, ông nhìn thấy người mẹ nghèo đã lớn tuổi. Bà không đủ tiền để lo cho con nên nhờ bệnh viện giúp. Mỗi lần đến thăm con, bà mang cho con một quả chuối mà chỗ ở phát cho. ‘Nhìn bà lưng còng, ngồi bóc chuối cho con ăn, thương lắm’, bác sĩ Hiển nói.
Năm 2016, ông cùng các đồng nghiệp thành lập câu lạc bộ từ thiện có tên gọi: ‘Đêm nhạc Blouse trắng’ để quyên góp kinh phí giúp cho những bệnh nhân nghèo, bị bỏ rơi. Câu lạc bộ này có 4 gói hỗ trợ căn bản với tên gọi: Bữa ăn trên tường, Bảo hiểm trên tường, Viện phí trên tường và Những hỗ trợ trên tường đặc biệt khác. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn ba năm hoạt động, quyên góp giúp đỡ cho nhiều trường hợp khó khăn, không chỉ người bệnh mà còn cho cả những sinh viên nghèo, biết vươn lên trong cuộc sống.
Bác sĩ Hiển cho biết, suốt mấy chục năm làm công việc ở nơi chẳng ai muốn vào này, niềm vui của ông là giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị người nhà bỏ rơi có được cuộc sống tốt hơn. ‘Niềm vui của chúng tôi chỉ có vậy đó. Còn nhắc đến bệnh viện tâm thần toàn chuyện buồn thôi’, vị bác sĩ sinh năm 1962 nói.
(Còn nữa)
Nguồn https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/cu-soc-nam-bac-si-ngay-dau-den-nhan-viec-o-benh-vien-tam-than-538183.html