6 Sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2017
Năm 2017 sắp khép lại với nhiều sự kiện đáng nhớ của nền giáo dục. Đây cũng là năm chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong quy chế thi THPT Quốc gia.
- Tuyệt chiêu giúp teen 2k dễ dàng đạt điểm cao môn Văn học kỳ thi THPT Quốc gia
- Những mẫu thành ngữ tiếng Anh dễ gặp phải trong đề thi THPT Quốc gia
- Sơ đồ tư duy giúp học nhanh dễ nhớ môn Văn học kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018
6 Sự kiện giáo dục nổi bật nhất năm 2017
Cùng tin tức giáo dục điểm lại 6 sự kiện giáo dục đáng nhớ nhất năm 2017 nhé!
Lương giáo viên sẽ được sếp cao nhất trong các ngành
Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành do Bộ GD&ĐT vừa mới công bố, lấy ý kiến đóng góp trong xã hội đã đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng. Cụ thể, Điều 81 về tiền lương trong Dự thảo nêu cần sửa đổi: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.
Cũng theo Dự thảo, học sinh từ tiểu học đến THCS hệ công lập sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Đây được xem là cơ chế chính sách thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Trước đó, học phí chỉ được miễn cho học sinh tiểu học trường công lập. Cụ thể, trong phần sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 105 ghi rõ: “Học sinh tiểu học, THCS trường công lập không phải nộp học phí”. Tuy nhiên, Dự thảo lại cho phép cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lí.
Đề xuất cải tiến Tiếng Việt
Cuối tháng 11 vừa qua, cộng đồng mạng “phát sốt” với đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền – nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy-học phổ thông về cải tiến tiếng Việt, từ 38 chữ cái giảm còn 31 để loại bỏ hầu hết thiếu sót và bất cập trong ngôn ngữ Tiếng Việt, đặc biệt là về cách viết. Đáng chú ý, sau khi giảm còn lại 31 chữ cái, cách viết đã thay đổi hoàn toàn so với chữ viết hiện nay. PGS Bùi Hiền có bài viết đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ từ tháng 9 tại Hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức.
Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng về sự kiện này, Bộ cho rằng rất trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Đề xuất cải tiến Tiếng Việt
“Mưa điểm 10” ở kỳ thi THPT Quốc gia
Ngày 6/7, Bộ GD&ĐT đã cung cấp dữ liệu điểm thi THPT Quốc gia của 63 tỉnh, thành. Khác với những năm trước dư luận thường quan tâm điểm liệt, năm nay, “mưa điểm 10” tăng mạnh với 4.235 bài thi đạt điểm 10 ở 9 môn thi (chưa có thống kê các môn Tiếng Trung, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Nhật và Tiếng Đức). Trong đó, riêng Hà Nội có 621 điểm 10, TP HCM có 453 điểm 10.
Năm 2016, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 69 bài thi đạt điểm 10 và năm 2015 có 406 bài thi đạt điểm tuyệt đối. Như vậy, ở kỳ thi năm 2017 là kỳ thi có nhiều điểm 10 nhất từ khi tổ chức thi quốc gia đến nay. Nhiều giáo viên cho biết, nguyên nhân khiến nhiều thí sinh đạt điểm cao đó là đề thi năm nay tương đối dễ, lại là thi trắc nghiệm ở một số môn nên dễ đạt điểm tuyệt đối. Quá nhiều điểm 10 cũng là lý do khiến nhiều thí sinh không đỗ nguyện vọng 1 vào đại học dù đạt tổng điểm 30 điểm/3 môn.
Bội thu huy chương các kỳ thi quốc tế
Các thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế 2017 (IMSO 2017) được tổ chức tại Singapore từ ngày 20 – 24/11 đã xuất sắc giành được 12 huy chương, trong đó có 3 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam giành 1 huy chương Vàng của nội dung Khoa học sau nhiều năm tham dự.
Còn tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2017 (IMO 2017) có 112 đoàn tham dự với hơn 600 thí sinh, diễn ra từ 12 đến 23/7 tại Brazil, học sinh Việt Nam đoạt 4 huy chương vàng, 1 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng. Tại tại Olympic Vật lý châu Á lần thứ 18 (tổ chức tại Liên bang Nga hồi tháng 5), đội tuyển Việt Nam có 7/8 học sinh dự thi đoạt giải. Kết quả đạt được có 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 3 Bằng khen (giải khuyến khích). Với thành tích trên, Việt Nam là một trong số 7 đội tuyển (trong tổng số 22 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia) có Huy chương Vàng.
Năm 2017 sắp khép lại với nhiều sự kiện đáng nhớ của nền giáo dục
Đỗ trường Sư phạm chỉ với 9 điểm/3 môn
Ở kỳ tuyển sinh năm nay, điểm chuẩn của các trường Sư phạm thấp kỷ lục trong những năm qua, khiến nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục lo ngại chất lượng giáo dục sau này. Ngoại trừ ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP HCM, năm nay nhiều trường sư phạm phổ biến có mức điểm chuẩn chỉ ngang sàn, tiêu biểu như: ĐH Hà Tĩnh trừ ngành Sư phạm mầm non ra, tất cả các ngành học khác chỉ lấy 15,5 điểm. Tương tự, nhiều ngành sư phạm của ĐH Sư phạm Huế, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) cũng lấy điểm chuẩn bằng với mức điểm sàn. Riêng ĐH Sư phạm Huế lấy 12,75 điểm/3 môn.
Tại một số trường CĐ sư phạm cũng phổ biến ở mức điểm trúng tuyển 9-10,5 điểm. Có thể kể đến một số trường hợp cụ thể như: CĐ Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm chuẩn 9 điểm, tức là chỉ cần trung bình 3 điểm/môn theo kết quả thi THPT Quốc gia với các ngành sư phạm Toán, sư phạm Sinh, sư phạm Ngữ văn. CĐ Sư phạm Lào Cai lấy điểm trúng tuyển hệ chính quy là 9,5 điểm. Các CĐ Sư phạm Hà Nam, Hải Dương có điểm trúng tuyển của tất cả ngành học là 10.
Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em
Năm 2017, dư luận xã hội hết sức phẫn nộ trước hàng loạt vụ việc xâm hại thân thể trẻ em trong các cơ sở giáo dục. Cụ thể, đầu tháng 2 vừa qua một đoạn clip được đưa lên mạng xã hội ghi lại cảnh các giáo viên đánh đập, xúc phạm trẻ em ở khu vực hành lang, nhà vệ sinh. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, làm rõ sự việc xảy ra tại cơ sở Mầm non tư thục Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Sau đó, cơ quan chức năng đã ban hành quyết định đóng cửa trường, đồng thời xử phạt hành chính các giáo viên trực tiếp đánh trẻ em.
Trong ngày 26/11, Báo Tuổi Trẻ TP.HCM có clip điều tra về nạn bạo hành xảy ra tại Trường mầm non tư thục Mầm Xanh, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM. Trong clip phản ánh, chủ trường mầm non cùng với ít nhất 2 bảo mẫu khác đã có hành vi bạo lực đánh đập nhiều trẻ em ngay tại cơ sở này. Các bảo mẫu có hành vi dùng tay đánh; dùng chân đạp; tát vào mặt, đầu; dùng vật dụng sinh hoạt để đánh, thậm chí là dùng dao để dọa nạt các em…Chính quyền và công an Quận 12 đã lập tức vào cuộc điều tra, xử lý.
Nguồn: Caodangduochoc.edu.vn tổng hợp