4 “siêu bệnh viện” được tự chủ hoàn toàn: “Chẳng khác gì mâm cỗ được bày sẵn!”

4 “siêu bệnh viện” được tự chủ hoàn toàn: “Chẳng khác gì mâm cỗ được bày sẵn!”

​Về việc 4 siêu bệnh viện đầu ngành được thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện, PGS. Nguyễn Hoài Nam cho rằng việc đó chẳng khác gì “hổ được chắp thêm cánh”.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Dễ dẫn đến bỏ quên người nghèo

Nghị quyết số 33/ NQ-CP năm 2019 về thí điểm tự chủ 4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K trung ương và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây đều là các bệnh viện đầu ngành và được gọi là “siêu bệnh viện”.

Về vấn đề tự chủ hoàn toàn bệnh viện, theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viện trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, việc mà lấy 4 siêu bệnh viện ra để thí điểm tự chủ và sau đó đánh giá nhân rộng mô hình sẽ dễ xảy ra tình trạng “thất bại hàng loạt” với các bệnh viện tuyến thấp khác.

Theo PGS Nam giải thích, tự chủ ở 4 bệnh viện đầu ngành này quá dễ dàng cho giám đốc bệnh viện bởi họ đã sẵn nong, sẵn né, chỉ việc làm và quá dễ dàng với các bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện đầu ngành như thế.

PGS Nam cho biết, vận hành một bệnh viện tự chủ hoàn toàn trên nền tảng có sẵn thương hiệu, có sẵn trang thiết bị, có sẵn cơ sở vật chất thì không còn vấn đề gì tranh cãi nữa. Việc chọn 4 bệnh viện lớn này chẳng khác gì “bày cỗ sẵn chỉ việc ăn”.

Thực tế, khi bệnh viện tự chủ hoàn toàn cần thống nhất một mặt bằng giá. PGS Nam khẳng định, không nên phân chia giá dịch vụ một giá, giá bình dân thấp vì nếu phân theo giá dịch vụ cho người có tiền, khu cho bệnh nhân nghèo sẽ tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngay chính nơi bệnh tật đau thương nhất.

Một vài bệnh viện khi tự chủ có đưa ra các khu xây dựng dành cho bệnh nhân nghèo, sử dụng BHYT, bệnh nhân giàu với những quảng cáo như khách sạn 5 sao, bệnh nhân nghèo chỉ nằm ghép, quạt trần có thêm cái ghế ngồi. PGS Nam cho rằng khó có thể song hành cả hai trong cùng một khu đất và rồi vì mục đích kiếm tiền, khu vực dành cho người nghèo cũng dễ bị xóa sổ.

“Người ta không còn mặn mà gì khám chữa bệnh cho người nghèo mà ai cũng chỉ nhìn vào cái “khối bánh” là bậc trung lưu. Tầng lớp trung lưu hiện nay có nhiều bệnh viện hướng tới mục tiêu phát triển phục vụ tầng lớp này. Khi các bệnh viện công lập như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy… cũng tự chủ hoàn toàn và xây dựng ra các khối tư nhân trong viện và cũng hướng tới mục tiêu tầng lớp trung lưu và cuối cùng người nghèo sẽ bị quên. Bức tranh các bệnh viện này có thể người nghèo không bao giờ đặt chân đến được, điều này có thể xảy ra.” – PGS Nam nói.

Không nên tự chủ bệnh viện đầu ngành

Chọn các bệnh viện đầu ngành để tự chủ thì họ sẽ quên đi trách nhiệm xã hội của mình bởi lúc đó vì trót tự chủ mà các bệnh viện này sẽ đua nhau kiếm tiền. PGS Nam cho rằng, bệnh viện nhà nước mà đua nhau kiếm tiền sẽ mất đi vai trò của nhà nước và hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe y tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa không còn.

Theo PGS Nam, bệnh viện đầu ngành nên phát triển các ngành y tế mũi nhọn, y tế kỹ thuật cao và phục vụ nhân dân thay vì được “thả cửa” làm kinh tế.

Với những phân tích của PGS Nam, một giám đốc bệnh viện tư nhân ở TP.HCM chia sẻ “vận hành một bệnh viện công lập đã có cả trăm năm thương hiệu, bệnh nhân lúc nào cũng quá tải nếu theo tự chủ thì chỉ cần “nhắm mắt” cũng có thể làm được.”

Theo vị chuyên gia này, khi tự chủ hoàn toàn có thể chọn các bệnh viện hạng 1 và khi thí điểm như thế mới phù hợp với nhiều bệnh viện cùng hạng, phân tuyến khác. Việc lấy 4 siêu bệnh viện thí điểm và đưa ra tổng kết về tự chủ bệnh viện hoàn toàn không khó, y tế phát triển, lương bác sĩ tăng và áp cho cả hệ thống y tế chắc chắn y tế tuyến dưới sẽ phá sản. Các bệnh viện cơ sở 1, cơ sở 2, cơ sở 3… của các siêu bệnh viện sẽ thế chân.

Nguồn https://infonet.vn/4-sieu-benh-vien-duoc-tu-chu-hoan-toan-chang-khac-gi-mam-co-duoc-bay-san-post303194.info