“Chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Việt Nam còn không được Campuchia công nhận”
Đó chỉ là một trong những bất cập được nêu ra tại hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật khám, chữa bệnh diễn ra ngày 29/7 tại TPHCM.
- Chuyên gia cảnh báo 5 chất gây ung thư người Việt vẫn ăn mỗi ngày
- Tiêm chất trong sữa mẹ, khối u tan biến đáng kinh ngạc
- Hồ sơ nhập học Đại học Y Hà Nội gồm những gì?
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù đến nay, gần như toàn bộ các văn bản hướng dẫn đều đã được ban hành đầy đủ nhưng hầu hết văn bản hướng dẫn đều ban hành chậm, cụ thể có 5 nội dung giao Chính phủ quy định và 14 nội dung giao Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, Bộ Y tế mới hoàn thành việc tham mưu để Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn và cũng chỉ có 5/14 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Y tế được ban hành vào cuối năm 2011. Bên cạnh đó, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nào về khám bệnh, chữa bệnh.
Việc xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước khi có Luật để bảo đảm tính phù hợp với văn bản cấp trên mới ban hành và yêu cầu thực tiễn chưa thực sự kịp thời, vẫn còn 22 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực được ban hành trước ngày Luật khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành, trong đó có những văn bản có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như Quy chế bệnh viện năm 1997, Danh mục trang thiết bị của bệnh viện đa khoa tỉnh – huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế năm 2002…
Một số quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn những nội dung chưa bảo đảm theo kịp xu hướng pháp luật quốc tế, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn, quy trình chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh, đào tạo người hành nghề, cấp chứng chỉ hành nghề một lần, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật chuyên môn mới trong khám bệnh, chữa bệnh; Một số văn bản trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh chưa bảo đảm tính thống nhất đồng bộ với nhau….
Ông Quang nhấn mạnh đến những bất cập trong việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay. Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 chỉ cấp chứng chỉ hành nghề cho 6 nhóm đối tượng, quy định này chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế như cán bộ khối y tế dự phòng, cử nhân sinh học tham gia xét nghiệm, người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,…gây khó khăn cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế.
Luật chưa quy định cụ thể về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề đối với bác sĩ đa khoa; phạm vi chuyên môn của đối tượng hành nghề về y học cổ truyền, điều dưỡng, kỹ thuật viên ở các trình độ khác nhau cũng chưa rõ ràng và sử dụng chung một phạm vi hoạt động chuyên môn.
Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề theo hình thức xét hồ sơ dựa vào các bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn nên không xác định được phạm vi hành nghề cụ thể của người hành nghề (không xác định được người hành nghề được cung cấp dịch vụ kỹ thuật nào hay không được phép cung cấp dịch vụ kỹ thuật nào), Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề theo hình thức xét hồ sơ không đánh giá được thực chất năng lực chuyên môn của người hành nghề cũng như chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo.
Đặc biệt, Luật khám bệnh, chữa bệnh không quy định thời hạn giá trị của chứng chỉ hành nghề không phù hợp với pháp luật cũng như thông lệ quốc tế gây khó khăn cho việc hội nhập của y tế Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới về khám bệnh, chữa bệnh.Ông Quang cho biết: “Đến nay, có lẽ chỉ còn Việt Nam và một số rất ít quốc gia trên thế giới cấp chứng chỉ hành nghề một lần và có giá trị vĩnh viễn. Việc cấp một lần và vĩnh viễn như vậy sẽ khiến những người hành nghề không có ý thức nâng cao kỹ năng thực hành y khoa cũng như cơ chế giám sát sự cố y khoa hoặc vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Các quốc gia khi quy định chứng chỉ hành nghề có thời hạn bao giờ cũng soi vào các tiêu chí đó. Việt Nam hiện cấp chứng chỉ hành nghề trên giấy (xét hồ sơ) chứ không phải thi, chính vì thế, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Việt Nam không có giá trị khi ra nước ngoài. Thậm chí, chứng chỉ này mang sang Campuchia cũng không được công nhận vì nước bạn đã áp dụng các thông lệ của quốc tế”.
Vì thế, Bộ Y tế đang kiến nghị sửa đổi cần phải thi lý thuyết và thực hành khi cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ này cũng chỉ có thời hạn chứ không vĩnh viễn như trước.
Nguồn https://infonet.vn/chung-chi-hanh-nghe-cua-bac-si-viet-nam-con-khong-duoc-campuchia-cong-nhan-post307632.info